Chỉ có điều tôi khá thất vọng về tình hình giao thông hỗn tạp ở VN. Tuy vậy, tôi chọn cách làm một điều gì đó tích cực, mang tính tiên phong để cải thiện tình hình thay vì chỉ ngồi thở dài. Tôi mong bản thân có thể tìm cách giúp tỉ lệ tai nạn giao thông giảm và hạn chế phần nào cảnh chia ly của các gia đình vì điều này. Đó là lý do Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) ra đời tại VN vào năm 1999.
Tai nạn giao thông có thể được giảm thiểu chỉ bởi một hành động đơn giản là đội mũ bảo hiểm. Mũ bảo hiểm có chất lượng đã được chứng minh có thể giảm 42% tỉ lệ tử vong, giảm tỉ lệ thương tật nặng 69%... trong các vụ va chạm (khảo sát về “Mũ bảo hiểm và việc phòng chống thương tật khi điều khiển xe máy” của tác giả Liu, B.C.).
Nhìn ở góc độ nhân văn, sẽ không có gì đau đớn bằng việc chứng kiến một người thân trong nháy mắt phải ra đi mãi mãi chỉ vì không đội mũ bảo hiểm khi đi đường. Không dừng ở đó, nền kinh tế quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông. Hằng năm VN mất khoảng 2,9% GDP vì các vụ tai nạn giao thông (nghiên cứu về an toàn giao thông VN của JICA, được báo cáo tại WHO). Tai nạn giao thông rõ ràng đã tác động đến nhiều mặt trong cuộc sống như vậy nên phải coi là vấn đề cấp thiết cần giải quyết.
Là một quốc gia đang phát triển và có lượng xe máy dày đặc, tuy nhiên VN có vẻ vẫn chưa truyền bá thành công kiến thức và văn hóa gìn giữ an toàn cho người dân, điều mà lẽ ra phải được dạy từ nhỏ. Không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm dỏm chỉ để đối phó, chạy xe bạt mạng, không màng người đi đường, lái xe khi uống rượu bia... là những hành động không được chấp nhận ở bất cứ quốc gia nào. Nên chăng tăng cường giáo dục kiến thức về an toàn giao thông trong trường học để hình thành ở người trẻ thói quen, văn hóa giữ gìn an toàn cho bản thân và người khác khi đi xe trên đường. Ở những quốc gia đã thuyết phục hiệu quả người dân dùng mũ bảo hiểm tốt, sự thành công phần lớn nhờ vào hai yếu tố tiên quyết: giáo dục và nhận thức của người dân.
Tôi biết VN hiện đang cân nhắc, bàn bạc việc phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm. Theo tôi, việc phạt nặng người sản xuất, người bán mũ bảo hiểm dỏm là hoàn toàn hợp lý nên không có gì bàn cãi. Còn việc phạt người mua tôi không có ý kiến nên hay không nên nhưng theo tôi cũng có nguyên do và sự cần thiết nhất định. Xã hội nào cũng tồn tại nhiều dạng người, vì thế sẽ có người chủ tâm mua mũ bảo hiểm dỏm để đối phó với công an mà không quan tâm đến sự an toàn của người thân và chính mình. Tôi từng chứng kiến nhiều cảnh thương tâm khi tai nạn giao thông xảy ra mà nạn nhân không đội mũ bảo hiểm tốt, trong đó có cả trẻ nhỏ. Theo tôi, cần thiết đưa nhiều hình ảnh này tới người dân để tính tự giác, ý thức của mọi người được đánh động.
Trong bất kỳ xã hội nào, nhà nước và người dân đều có những bổn phận, nghĩa vụ nhất định. Nhà nước có trách nhiệm chăm lo, phát triển đời sống người dân và ngược lại, tất cả người dân đều phải sống tuân theo những quy định chung của quốc gia. Sự hòa hợp cao giữa hai bên sẽ là yếu tố quan trọng giúp quốc gia phát triển. Nói như vậy để thấy rằng một chủ trương đúng đắn như chủ trương đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy sẽ khó thành công trọn vẹn nếu chỉ đến từ một phía.
Kiểm tra chuyên môn, sức khỏe của tài xế xe đường dài Cá nhân tôi cho rằng sự xuống cấp của hạ tầng giao thông là vấn đề chung của nhiều quốc gia đang phát triển chứ không chỉ riêng VN. Khi xã hội phát triển nhanh, lượng xe cộ lưu thông “bùng nổ”... thì việc thường xuyên tu bổ hạ tầng giao thông nên được xem là điều bắt buộc. Những công ty đấu thầu xây đường nào bị phát hiện dùng vật liệu dỏm hoặc có gian lận trong thi công nên bị trừng phạt nghiêm khắc bởi đó là tội ác với quốc gia. Nếu được thì nên xây dựng các tuyến đường một chiều hoàn toàn, tình hình hi vọng sẽ khá hơn. Ngoài ra, chính quyền nên kiên quyết giữ vỉa hè được thông thoáng để người đi bộ không phải bối rối khi di chuyển và hệ thống kiểm soát giao thông cũng cần cải thiện. Chuyên môn, đạo đức, sức khỏe... của các tài xế cũng cần được xem xét, kiểm tra thường xuyên dưới dạng ngẫu nhiên (để tránh trường hợp các tài xế tìm phương đối phó). Ở các nước phương Tây đôi khi cũng phát hiện trường hợp tài xế xe đường dài dùng ma túy hoặc sử dụng chất cồn khi đang lái xe nhưng con số này rất ít. Hình phạt cho các trường hợp này thường được thực thi nhanh chóng và rất nghiêm khắc, thường người vi phạm sẽ bị tống vào tù lâu ngày... |
GREIG CRAFT (người Mỹ, chủ tịch kiêm sáng lập viên Quỹ phòng chống thương vong châu Á)
Phóng to |
Nhiều người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đúng chuẩn như thế này - Ảnh: T.T.D. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận