Một số tuyển thủ U-23 VN tập luyện trong ngày 11-12 với đầu gối băng trắng vì chấn thương - Ảnh: Nam Khánh |
Và họ đã dẫn chứng qua việc tập luyện ở CLB so với các bài tập ở đội tuyển VN hay U-23 VN.
CLB tập nặng hơn đội tuyển
Không có mặt ở lần tập trung này do án phạt của LĐBĐVN (VFF), Quế Ngọc Hải (SLNA), trung vệ trụ cột của đội tuyển VN lẫn U-23 VN, nói: “Theo tôi, bài tập ở đội tuyển nhẹ hơn rất nhiều so với CLB. Do ở CLB cầu thủ phải trải qua một mùa giải thi đấu kéo dài 7- 8 tháng nên các bài tập mà HLV ở CLB đưa ra thường nặng để cầu thủ có đủ sức khỏe chuẩn bị cho một hành trình dài. Còn ở cấp độ đội tuyển, do chỉ tập trung vài ngày hoặc vài tuần chuẩn bị cho một trận đấu hoặc một giải đấu trong thời gian rất ngắn nên các bài tập HLV trưởng đưa ra thường nhẹ hơn ở CLB”.
Tiền vệ Thành Lương (Hà Nội T&T), người từng rời đội tuyển VN do chấn thương trong trận gặp tuyển Thái Lan vào ngày 24-5 tại vòng loại World Cup 2018, cho rằng: “Tập ở CLB nặng hơn nhiều so với đội tuyển nên ai nói cầu thủ bị chấn thương do tập nặng và bài tập không phù hợp là sai lầm. Theo tôi, các cầu thủ tích lũy thể lực kém, thiếu kinh nghiệm thi đấu thì nguy cơ chấn thương càng cao. Tháng 5 vừa rồi tôi phải chia tay đội tuyển khi đang tập trung vì chấn thương háng bị từ khi tôi đang thi đấu cho CLB. Nhưng do không có thời gian điều trị dứt điểm mà cứ cố đá nên khi đó tái phát nặng phải nghỉ”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 12-12, tuyển thủ Võ Huy Toàn cho biết anh bị đau mỗi khi đứng lên ngồi xuống vì chấn thương cột sống nặng chưa bình phục. Huy Toàn đang được điều trị vật lý trị liệu tại Đà Nẵng và dự kiến phải mất 1-2 tháng chấn thương mới hồi phục. Anh chia sẻ: “HLV Miura cho tôi rời đội U-23 ngày 2-12 sau khi lên tập trung được một ngày vì tôi bị đau nặng. Chấn thương này tôi gặp phải từ đầu năm 2015 khi đấu cho CLB nhưng không có thời gian chữa dứt điểm. Tháng 10 vừa qua khi cùng đội tuyển đấu hai trận với Thái Lan, Iraq trên sân Mỹ Đình thì bị đau nặng hơn và đến lần tập trung này tôi không tập luyện được”.
HLV Miura: kiểm tra chấn thương từng cầu thủ
Sau gần hai tuần tập trung, đến thời điểm này có khoảng 12 cầu thủ của đội U-23 VN đã và đang bị chấn thương. Trong đó, một số đã trả về CLB (Huy Toàn, Ngọc Thắng), một số đã bình phục (Xuân Trường, Lâm Ti Phông), một số đang chấn thương (Tuấn Anh, Duy Mạnh, Hữu Dũng, Công Phượng...).
Trả lời báo chí về những chấn thương liên tiếp này, HLV Miura cho biết: “Phần lớn thường xuất phát từ khi các cầu thủ thi đấu ở CLB. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cầu thủ bị chấn thương như: do mặt sân thi đấu của các CLB ở V-League có chất lượng chưa tốt, các cầu thủ thi đấu thô bạo, khi cầu thủ bị chấn thương mà việc chữa trị và hồi phục kém dẫn đến chấn thương lâu khỏi...”.
Từ đây, mỗi lần tập trung ĐTQG và U-23 ông Miura đều yêu cầu bác sĩ kiểm tra kỹ từng cầu thủ trước ngày tập luyện. Với những trường hợp bị chấn thương, ông dứt khoát yêu cầu điều trị khỏi mới tập, nếu không khỏi sẽ cho về CLB điều trị. Và ở lần này, ngay trong ngày đầu tuyển U-23 hội quân đã có 7/29 cầu thủ được chẩn đoán gặp vấn đề chấn thương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cầu thủ của đội U-23 VN cho biết việc hồi phục sau thi đấu ở CLB rất kém và cầu thủ tự lo là chính. “Từ khi lên đội U-23 được ngâm nước đá lạnh sau khi tập thấy cơ thể phục hồi tốt nên sau khi về CLB mỗi khi tập hay thi đấu xong, chúng tôi cũng lấy đá cho vào bồn tắm để tự ngâm. Chấn thương đôi khi nhẹ cũng cố đá vì CLB thiếu người thi đấu. CLB nào giờ cũng có bác sĩ nhưng nếu mỏi quá mới nhờ bác sĩ xoa bóp, việc điều trị ở CLB cũng không đâu vào đâu. Do đó, chấn thương của chúng tôi thuộc loại “tích lũy” nên lúc phát ra thường rất nặng”.
Không muốn chấn thương, hãy gọi cầu thủ dự bị Đó là quan điểm của bác sĩ Nguyễn Văn Phú - phó giám đốc Bệnh viện Thể thao VN, một chuyên gia về lĩnh vực chữa trị chấn thương cho VĐV. Bác sĩ Phú chia sẻ: “Đội tuyển là nơi tập trung những ngôi sao của các CLB trên cả nước. Do có trình độ chuyên môn tốt nên họ thường gặp phải những va chạm với cầu thủ đối phương trên sân, dẫn đến nguy cơ cao về chấn thương. Do đó, nhiều cầu thủ khi lên tập trung đội tuyển đã bị chấn thương sẵn. Vì vậy, nếu sợ cầu thủ bị chấn thương thì chỉ có cách gọi các cầu thủ dự bị ở các CLB lên tuyển vì những cầu thủ này chắc chắn bị chấn thương ít hơn các cầu thủ ngôi sao”. Theo bác sĩ Phú, hầu hết CLB ở V-League hiện nay đều có bác sĩ, săn sóc viên, kỹ thuật viên, nhân viên y tế hỗ trợ cầu thủ. Nhiều CLB như Hà Nội T&T, HAGL, SHB Đà Nẵng có chế độ dinh dưỡng cho cầu thủ tốt, có đủ thiết bị để thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu cho cầu thủ... Tuy nhiên so với thế giới, sự tham gia của y học trong thể thao, điều trị chấn thương và phục hồi sau tập luyện, thi đấu cho VĐV của VN còn rất hạn chế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận