Phóng to |
Những cuốn giáo án của giáo viên và sách vở của học sinh Trường THCS Bản Khoang được tìm thấy trong đống đổ nát sau vụ lũ quét - Ảnh: Quang Thế |
Phóng to |
PGS.TSKH Vũ Cao Minh - nguyên phó viện trưởng và hiện là nghiên cứu viên cao cấp Viện Địa chất - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam - Ảnh: Việt Dũng |
Mở đầu cuộc trao đổi, PGS.TSKH Vũ Cao Minh nói:
"Trước hết, tôi khẳng định phải gọi đây là lũ đá, chứ đừng nói khái niệm lũ quét chung chung. Thực tế, lũ đá tàn phá các khu dân cư miền núi đã xảy ra từ nhiều năm nay rồi. Năm 1996, trận lũ đá ở Mường Lay (Lai Châu) và ở Bát Xát (Lào Cai) làm 23 người chết, gần 13 vạn ngôi nhà bị hư hại. Tôi còn nhớ khi đó cả thị trấn huyện lỵ phải di dời sang vùng đất mới…
Năm 2004-2005 lại chứng kiến trận lũ đá kinh hoàng ở hai xã Du Già, Du Tiến, huyện Yên Minh (Hà Giang), năm 2007 ở Quế Phong (Nghệ An) và ngay một năm trước, Sa Pa cũng đã hứng chịu trận lũ đá gây thiệt hại khủng khiếp về người và nhà cửa.
Nói thế để thấy kiểu lũ này đã có từ lâu, nhưng nhận thức nói chung vẫn còn mù mờ.
* Một vấn đề không có gì quá khó hiểu, tại sao chúng ta vẫn chưa có cách xử lý phù hợp, dứt điểm, thưa GS?
- Sự không phân biệt rạch ròi này dẫn đến hậu quả tệ hại là những cảnh báo lũ vẫn chỉ chung chung, không cụ thể. Những trận lũ đá lớn vẫn cướp đi sinh mạng hàng chục người dân. Cái thiếu, cái khó, cái hụt hẫng của chúng ta là vắng bóng hẳn một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về tai biến các vùng, miền.
Không một nhà khoa học nào, một cơ quan khoa học nào cứ ngồi ở Hà Nội mà dự báo trúng được tình hình ở vùng lũ đá được. Từ phát hiện của người dân, tích hợp với kết quả đo lường của thiết bị đo độ rung, rồi nhà khoa học kiểm tra, đánh giá sẽ cho kết quả cảnh báo chính xác. |
Cũng là đề tài lũ, nay viện này làm, mai trường ĐH kia triển khai, làm đi làm lại mà chẳng có gì chuyên sâu, mới mẻ. Nghiên cứu cứ dàn trải, mỗi đơn vị làm một tí. Đã có Luật phòng chống thiên tai, cũng mong chính sách Nhà nước phải có quy định chặt chẽ đã có nơi nghiên cứu về cái này thì nơi khác không nghiên cứu lặp lại nữa.
* Nhưng nhiều cán bộ có trách nhiệm vẫn giải thích thiên tai xưa nay là chuyện khó lường, làm sao có thể phán đoán chính xác…
- Đừng đổ hết mọi việc cho ông trời. Cứ nói thiên tai là tai họa từ trên trời rơi xuống thì đúng là có xảy ra cũng chẳng ai lo bị gán trách nhiệm. Nhưng ngay cả lũ đá kinh khủng làm chết người cũng giống như bệnh tật đều có thể ngăn ngừa, phòng chống, giảm tác hại. Trong tài liệu chúng tôi soạn để phổ biến cho đồng bào từ gần 20 năm trước, khi phải diễn giải một cách dễ hiểu, chúng tôi cũng nói núi lở, lũ cao không phải do thần, do ma mà do địa hình dốc, đất đá yếu, mưa nhiều...
* Chúng ta đã xây dựng bản đồ lũ nhiều năm qua, tại sao công việc này chưa đem lại hiệu quả?
- Việc cảnh báo cho người dân phải thay đổi thực sự, cảnh báo phải dựa vào cộng đồng. Nếu một nhóm nhà khoa học làm đề tài vài ba tháng có một chuyến thực địa đánh giá tình hình, rồi đưa ra cảnh báo dựa trên các lý thuyết thì tác dụng cảnh báo cũng không sát thực.
Trong trường hợp này, các nghiên cứu, cảnh báo bám rễ vào hoạt động hằng ngày của người dân. Lũ đá gây thiệt hại rất lớn, nhưng lại có những dấu hiệu nhận biết dễ nhận ra. Bà con khi làm nương trên sườn đồi, núi phát hiện chân sườn đồi có nước rỉ ra dù mưa nhỏ, rồi ngược lên phía trên núi có vết nứt, cây trên đó bị nghiêng đi thì nên hiểu đó là dấu hiệu cảnh báo sớm của lũ đá. Những dấu hiệu này thường có hàng tuần, thậm chí hàng tháng trước khi xảy ra lũ. Gần thời điểm xảy ra lũ hơn, bà con sẽ thấy nước suối chảy gần bản bị đục, hay nước suối bị cạn vì núi lở dần chặn dòng chảy tạo thành hồ trượt lở phía trên. Gần hơn nữa sẽ nghe thấy tiếng động như tiếng ôtô, tàu hỏa...
* Kiểm kê các danh mục khoa học không thiếu vắng những đề tài đồ sộ (cả về tiền và số trang in) nghiên cứu về lũ, nhưng nhiều năm lũ đá xảy ra vẫn gây thiệt mạng nhiều người. Phải chăng việc đầu tư chưa trúng?
- Tôi đồng ý rằng Nhà nước đã bỏ nhiều tiền của cho những đề tài này, nhưng nó bị rơi vãi dưới dạng này, dạng kia. Ở Việt Nam, lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở… là đề tài gặp nhiều từ cấp trung ương, cấp bộ, đến địa phương, nhưng hiệu quả khoa học không cao.
* Theo ông, người dân phải làm gì để bảo vệ mình trong trường hợp tương tự - nằm ngoài bản đồ cảnh báo, nhưng lại gánh chịu hậu quả trực tiếp?
- Những dự báo, bản đồ tai biến thiên nhiên trong không gian vẫn có thể có sai sót do tỉ lệ bản đồ được sử dụng không chính xác. Chẳng hạn, tỉ lệ nghiên cứu được xác định cho một huyện thì có thể sai sót cho cấp thôn, bản. Do đó, như đã nói, việc cảnh báo cũng như lập bản đồ tai biến lũ, vùng trượt lở… phải kết hợp với các yếu tố nhận biết của cộng đồng.
Cũng xin nói thêm Việt Nam chưa có những quy định cụ thể hướng dẫn việc xây dựng bản đồ tai biến thiên nhiên như lũ đá, lũ nước, trượt lở… Các đơn vị nghiên cứu biết và tin lý thuyết của Mỹ thì xây theo kiểu Mỹ, nhóm khác tin dùng của các nước châu Âu lại vận dụng kiểu dựng bản đồ châu Âu…
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận