Phóng to |
Từ trái sang: PGS Trần Thị Tâm Đan, PGS Trần Quốc Toản và GS Văn Như Cương trao đổi bên lề hội nghị - Ảnh: Vĩnh Hà |
Đó là những ý kiến được nêu ra tại hội nghị tham vấn các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học về chương trình - sách giáo khoa phổ thông do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 5-4.
Ngày 5-4, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học về chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông.
“Kết quả tham vấn sẽ là một căn cứ để ủy ban đề xuất giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, chính sách pháp luật về bảo đảm chất lượng chương trình SGK phổ thông, đồng thời chuẩn bị để trình Quốc hội về nghị quyết đổi mới chương trình - SGK phổ thông” - GS Đào Trọng Thi cho biết về mục đích tổ chức hội nghị.
Hãy để nhiều người cùng viết sách Với 200 người tham gia thiết kế chương trình và trên 600 người tham gia biên soạn SGK hiện hành là một đội ngũ khá hùng hậu. Tại hội nghị, có ý kiến cho rằng nên chọn lọc tinh hơn đội ngũ xây dựng chương trình và SGK, nhưng cũng có ý kiến nêu cần mở rộng để nhiều người cùng góp sức. GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần tận dụng chất xám các nhà khoa học của các hội chuyên môn như hội sinh học, vật lý, sử học... để thiết kế chương trình - SGK. “Tôi không thấy Bộ GD-ĐT mời chúng tôi tham gia, trong khi ở nhiều nước khác, các viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp cũng có thể viết SGK. Trong tay tôi có tới 70 cuốn SGK sinh học của các nước do các nhóm tác giả khác nhau viết, họ viết rất tốt... Vậy thì tại sao chúng ta phải lo ngại?”. |
Đa số ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục tại hội nghị đều thừa nhận những khuyết điểm nổi cộm của chương trình - SGK hiện hành là nặng tính hàn lâm, ôm đồm kiến thức, thiếu tính liên thông, nhất quán, nhiều kiến thức trùng lặp hoặc quá khó, không cần thiết với các đối tượng học sinh của mỗi cấp học do không có tổng chủ biên cho cả chương trình - SGK từ lớp 1-12...
SGK hiện hành: bất cập
Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý cũng cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn do SGK khiến chất lượng giáo dục phổ thông có vấn đề. Vì người viết sách phải theo chương trình, chương trình phải nằm trong định hướng mục tiêu, trong cấu trúc nền giáo dục cùng với điều kiện đảm bảo tính khả thi. Những bất cập trong toàn hệ thống khiến ưu điểm của bộ SGK hiện hành không được phát huy, trong khi những “hạt sạn” thì lại chòi lên.
Cùng với việc nhặt sạn trực tiếp từ bộ SGK hiện hành, GS Văn Như Cương trao đổi thêm: “Thiết kế chương trình hiện nay không thể hiện sự dạy học phân hóa và không phân luồng được học sinh, định hướng cho việc dạy học không thay đổi, hầu hết hoạt động của thầy trò chỉ nhằm mục đích để đi thi, nặng về học lý thuyết, nhẹ thực hành, nặng về học văn hóa, nhẹ về học kỹ năng thực hành, đội ngũ giáo viên còn yếu, yếu nhất là phương pháp dạy học và giáo dục. Với những bất cập đó, một bộ SGK tốt cũng không thể mang lại chất lượng tốt”.
Đặt ra vấn đề chương trình - SGK hiện hành có quá tải hay không, đã có những ý kiến trái chiều tại hội nghị. Phần lớn ý kiến cho rằng “có quá tải khi thiết kế chương trình và SGK”, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng “quá tải do phương pháp của người thầy không hợp lý”. Còn GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - thẳng thắn: “Bộ GD-ĐT thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo dạy học theo hướng tích hợp”.
GS Đinh Quang Báo, thường trực ban chỉ đạo đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông sau năm 2015, phân tích: “Chương trình hiện tại về tổng thể không quá tải, nhưng có những kiến thức đề cập quá sâu không cần thiết, trong khi có những vấn đề cần lại đề cập quá nhẹ. Hơn hết là hướng dạy học tích hợp, dạy học phân hóa đã không được làm triệt để. Tích hợp thành công sẽ giúp học sinh tăng sức chịu tải. Và nếu tăng sức chịu tải được thì sẽ không quá tải”.
Đừng để giáo viên “ngơ ngác”
TS Vũ Văn Dụ - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ GD-ĐT - nhận xét khuyết điểm mãn tính của tất cả các cuộc cải cách giáo dục và đổi mới giáo dục là đội ngũ giáo viên “ngơ ngác” trước các vấn đề đổi mới ở bậc phổ thông. “Đúng ra cần bắt đầu từ các trường sư phạm. Với việc nghiên cứu đổi mới chương trình - SGK phổ thông, Bộ GD-ĐT phải tập hợp các trường ĐH sư phạm mạnh cùng nghiên cứu, cùng thực hiện và đổi mới đầu tiên từ việc đào tạo giáo viên trong các trường này. Nhưng các cuộc cải cách giáo dục và đổi mới giáo dục vừa qua, việc nghiên cứu, việc chỉ đạo, thực hiện vẫn chỉ được làm trong các nhà trường phổ thông, còn trường sư phạm đứng ngoài cuộc hoặc chỉ phối hợp theo kiểu đứng hàng hai” - TS Dụ nói.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Đức Chính cho rằng: “Thiết kế một chương trình, thiết kế bộ SGK có chất lượng đã là việc khó, nhưng nếu không có một đội ngũ giáo viên để thực hiện nó thì mục tiêu giáo dục còn khó đạt được hơn”. Theo GS Chính, với việc thay đổi mục tiêu giáo dục “chú trọng phát triển năng lực cho người học, thì người thầy phải bứt khỏi lối dạy truyền thụ để chuyển sang làm công việc tổ chức quá trình tự học của người học. Muốn vận hành một chương trình theo hướng tích hợp, phân hóa thì giáo viên phải được đào tạo để làm điều này”.
“Yêu cầu tích hợp đã được đặt ra từ khi xây dựng chương trình phổ thông năm 2002 nhưng giáo sinh các trường sư phạm lại chỉ được đào tạo theo từng môn học nên trên thực tế tích hợp mới chỉ triển khai được ở môn ngữ văn. Tiếc là sau 15 năm triển khai chương trình, hạn chế trên vẫn không được khắc phục” - GS Thuyết bày tỏ nỗi lo ngại.
TS Dụ đặt ra vấn đề được nhiều người đồng tình: “Chúng ta cứ bàn mãi chuyện đổi mới chương trình - SGK, tại sao không dám mạnh dạn đổi mới chế độ tiền lương cho giáo viên? Hãy thử tăng lương cho một cấp học để giáo viên của cấp học đó nâng cao trách nhiệm, tâm huyết với nghề đi!”. Như vậy muốn giáo viên đừng “ngơ ngác”, không chỉ để họ được vào cuộc thật sự mà còn phải tạo một cơ chế để họ cống hiến thật sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận