Ra đường phố hằng ngày, dừng ngã tư đèn đỏ đông người, không biết bao nhiêu lần mẹ con tôi phải hứng nguyên đám khói thuốc phà ra từ một anh đi xe máy bên cạnh. Thật là những tình huống muốn né khói cũng không được.
Trên phà, ở bến xe, trạm xe buýt… ở đâu cũng có thể bị buộc phải hít khói. Rất nhiều cơ quan công sở không có không gian riêng cho những người hút thuốc, thậm chí nhiều nơi không có khoảng không cho khói thuốc thoát đi. Khói luẩn quẩn trong lối thoát hiểm các tòa nhà, một góc nào đó ở nơi làm việc.
Có lần vào bệnh viện, ở hành lang khoa hô hấp, một anh (có lẽ là người nuôi bệnh) đang phì phèo thuốc lá. Bất chấp các biển cấm ở trước mặt hoặc ở đâu đó trong khuôn viên trường học, bệnh viện (những nơi đáng lẽ không có khói thuốc lá), bao nhiêu người vẫn cứ rít thuốc và phà khói.
Khói trắng kinh khủng hơn ở những quán cà phê có nhiều thanh niên đôi mươi. Có cả thuốc lá điện tử lẫn thuốc lào. Quán cà phê nhỏ gần nhà tôi ở quận ven TP.HCM là nơi thanh niên hẹn hò để rít thuốc lào.
Quán đóng cửa sau 22h vẫn có người đến ngồi phía trước rít thuốc giữa đêm. Tôi hiểu đó là sự nghiện và tuổi đời những thanh niên kia còn quá trẻ. Quán là căn nhà cấp 4, mùi khói thuốc cứ vậy lan ra những nhà xung quanh, mọi người cùng chịu đựng.
Đã có quá nhiều lý do than khó về việc xử phạt người hút thuốc nơi công cộng. Không lẽ khó rồi buông? Cùng với xử phạt nghiêm, cần có sự đẩy mạnh các giải pháp tách người hút thuốc ra không gian riêng của họ. Đây là cách các nước đã làm. Công sở, nơi công cộng, trên tàu xe... cần làm nghiêm việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận