Cuối tuần qua, tôi và nhóm bạn cũ chúng tôi tổ chức tiệc gặp mặt tại một quán có bia rượu. Có những đứa trẻ từ 3 - 10 tuổi được bố mẹ dắt đi theo.
Đưa con theo... nhậu
Ngồi vào bàn tiệc, lúc đầu mọi người cùng quan tâm hỏi han bọn trẻ. Nhưng sau đó, khi người lớn say sưa chuyện nay chuyện xưa, những đứa trẻ bắt đầu uể oải ngồi nhìn hết người này đến người khác.
Giữa một không gian ồn ào, đầy mùi bia, thuốc lá và ngôn từ người lớn, những đứa trẻ thành ra lạc lõng, chán chường.
Rồi những đứa trẻ chia làm ba nhóm: nhóm lớn tuổi hơn chủ động ăn uống no bụng sau đó vùi mắt vào điện thoại, nhóm nhỏ tuổi hơn thì ngáp ngắn ngáp dài, dụi mắt liên tục và liên tục đòi bố mẹ.
Nhóm thứ ba, thường trẻ trai, chạy theo nhau tự đi chơi, lắm khi chạy nhảy, la hét vang khắp quán.
Rồi khi cả lớp tôi kéo nhau vào quán karaoke, con trẻ cũng đi theo. Giữa không gian nhạc xập xình, những đứa trẻ cũng chia thành nhiều nhóm: đứa dạn dĩ cũng cầm micro hát nghêu ngao bài người lớn, đứa rụt rè lại ngơ ngác ngó nghiêng trước ánh đèn nhiều màu.
Thương nhất là những đứa trẻ khoảng 3 - 4 tuổi, có lẽ không chịu nổi âm thanh quá lớn, các bé phải dùng hai bàn tay bé xíu bịt tai lại thay cho lời than phiền vì sự ồn ào quá cỡ với con.
Nhiều lần ra quán ăn tôi cũng gặp rất nhiều đứa trẻ lạc lõng nơi không gian của người lớn. Có một lần, trong quán nọ, tôi nhìn thấy một em bé điệu bộ chán nản ngồi im không nói không cười trên ghế, giữa nhiều người lớn đang rôm rả câu chuyện.
Mấy lần em bé kéo áo bố ý muốn đòi về, ông bố đang bận nói, vô tình gỡ tay con ra, cũng quên nhìn vào con hay nghe con muốn nói gì!
Những đứa trẻ năng động hơn thường chạy khắp quán, lân la qua bàn khác, làm quen với trẻ ở "hội cha mẹ" ở bàn khác và tự chơi với nhau.
Có em một mình chạy qua bàn khác, sau vài câu lanh lợi làm quen lại tự nhiên ngồi vào bàn người lạ, tự tìm vật gì có thể chơi được để cầm lên. Lại có không ít lần trẻ con bàn này làm đổ bể đồ của khách bàn khác.
Những em bé bị "bỏ mặc" ở quán, dù có thể tự tìm cách "hòa nhập" với người lớn hay không thì đều tội nghiệp như nhau: các em không thể vui thực sự với không gian không đúng lứa tuổi của mình. Nhất là khi người lớn mải chuyện để con trẻ tự chơi.
Thương con không đúng cách?
Có thể do hoàn cảnh riêng, ở nhà không có người lớn trông trẻ nên phụ huynh chọn cách dắt con theo khi cần ra quán.
Trong số các phụ huynh đưa con theo có bao nhiêu người thực sự dành thời gian cho con mình hoặc để mắt, chăm chút con cái đúng nghĩa?
Hay mang con ra nơi công cộng để một công đôi việc: vừa "trông con" vừa gặp bạn bè? Hoặc đơn giản chỉ ngồi cà phê lướt điện thoại và để mặc con?
Trong câu chuyện của tôi ở trên, rất nhiều ông bố bà mẹ mang con theo để "hợp thức hóa" việc hẹn hò quán xá.
Có những trẻ cũng thích đi quán xá nhưng điểm đến phải là nơi có không gian phù hợp với con, có bạn chơi cùng hoặc bố mẹ ông bà chơi cùng con, nói chuyện với con.
Những đứa trẻ buộc theo bố mẹ đến những nơi có mùi bia rượu, có những câu chuyện của người lớn thì em vui được gì hay bất đắc dĩ phải thấy và nghe những điều không hợp với mình. Không biết chừng trí óc còn non của em buộc phải học những điều không nên.
Một số ít trẻ em gây ồn ào nơi công cộng cũng có một phần lỗi từ chính bố mẹ. Đưa con ra nơi công cộng mà không làm gương cho con (nhiều phụ huynh thực sự... rất ồn ào), đưa con theo nhưng không quan tâm con làm gì, con có vui thích không hoặc bỏ mặc con hành xử theo bản năng hiếu động.
Tôi rất hiếm khi đưa con theo ở các cuộc gặp mặt bạn bè, đồng nghiệp... Đôi lần tôi vẫn chở con đi cùng nhưng chọn những quán ăn, quán cà phê có khu vui chơi riêng, nơi con không phải ngồi một mình đơn độc hay phải nghe những cuộc nói chuyện vượt lứa tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận