01/02/2015 16:43 GMT+7

Đừng để tiền lì xì thành áp lực ngày tết

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Đó là một trong những góc nhìn được bàn luận sôi nổi tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Văn hóa ngày tết” do HĐND TP.HCM cùng Đài Truyền hình TP (HTV) tổ chức sáng 1-2.

Các em nhỏ bán bao lì xì - Ảnh: Huỳnh Văn Thương

Theo ông Vương Liêm (Hội Người cao tuổi Q.1 TP.HCM), lì xì trong ngày tết với nghĩa ai cũng muốn có những may mắn, lời chúc, thường nghĩ đến vấn đề đời sống kinh tế, tiền. Ông cũng cho rằng bây giờ lì xì trong ngày tết đã khá “biến tướng”...

Ông Liêm đề xuất thay vì đặt tiền trong các bao lì xì màu đỏ, nên đặt vào đó những lời chúc phù hợp với từng lứa tuổi, sẽ hay hơn.

Nghệ sĩ Hồng Vân (đại biểu HĐND TP) nói càng về sau này, áp lực về tết càng lớn. Nếu không lì xì sẽ mất vui nhưng làm sao đừng để bị áp lực, giữ như ngày xưa là rất hay. Theo chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, đến ngày tết nếu để các cháu nhỏ chỉ nghĩ đến chuyện được  lì xì sẽ không ổn.

Nói về suy nghĩ của trẻ em, bạn Nguyễn Ngọc Đoan Hân (14 tuổi, Q.5, TP.HCM) chia sẻ mỗi dịp tết đến, là con nít ai cũng thích được lì xì.

“Khi chúc tết ông bà, con cũng thích được lì xì”, song Đoan Hân kể vào ngày Tết, có những đứa bé e ngại không chịu chúc tết người thân, bạn bè của cha mẹ, anh chị…, thì người lớn hay nói chúc tết đi sẽ cho xì lì, đứa trẻ chạy đến chúc liền.

Theo Đoan Hân việc này là không nên, cũng không hay. Bạn Trịnh Ngọc Mỹ (12 tuổi, Q.1, TP.HCM) lo lắng trước thực tế coi trọng số tiền được lì xì mà không chú ý tới lời chúc tết dễ thương, vui vẻ, lễ độ với người lớn…

Theo phó chủ tịch UBND quận 1 Lưu Trung Hòa, với đặc điểm của những người làm ăn phát đạt, nếu lì xì ít tiền, họ mang tâm lý ngần ngại, sợ bị nói là người keo kiệt. Tuy nhiên, qua câu chuyện bàn về lì xì ngày tết, ông Hòa cho rằng người lớn nên suy nghĩ lại, có cách ứng xử khác hơn.

“Ngay bản thân tôi cũng bị tâm lý như vậy, nhưng đúng là lì xì nhiều tiền sẽ làm hại đứa trẻ và đây là vấn đề của người lớn. Do vậy, có lẽ tết này, tôi đặt vào bao lì xì 5.000 đồng thôi”.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (nhà nghiên cứu văn hóa) nhấn mạnh truyền thống Việt Nam không bao giờ coi trọng quá đáng vật chất, không bao giờ coi trọng mệnh giá   tiền lì xì. Song, ông nhìn nhận do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, có nhiều người coi trọng mệnh giá đồng tiền, làm hỏng các em bé, làm các em cũng coi trọng đồng tiền.

“Ứng xử như vậy là hại chính mình, con cái sẽ có thái độ coi trọng đồng tiền, coi nhẹ tình cảm với cha mẹ, ông bà…” - GS Thêm cảnh báo.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên