14/09/2016 10:29 GMT+7

Đừng để thí sinh phải thấp thỏm...

NGỌC HÀ ghi
NGỌC HÀ ghi

TTO - Muốn biết tại sao Bộ GD-ĐT lại tiếp tục có những thay đổi cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH 2017 thì cần phải nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia đã được tổ chức trong hai năm 2015-2016.

Năm 2015, kỳ thi hầu như suôn sẻ, nhưng phát sinh bất cập vì nghẽn mạng trong công bố điểm thi và những rối loạn không lường trước trong ngày cuối nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1. Vì vậy, năm 2016 bộ phải thay đổi phương thức xét tuyển.

Nhưng rồi năm 2016 vẫn tồn tại những bất cập như: sử dụng kết quả thi của các cụm thi khác nhau với mức độ coi thi, chấm thi lỏng - chặt rất khác nhau để xét tuyển ĐH có thể tạo nên sự không công bằng trong tuyển sinh; rồi hiện tượng thí sinh “ảo” và tình trạng “học lệch”, “học tủ” khi thí sinh chỉ tập trung vào mấy môn mình chọn thi…

Trước những bất cập nói trên, là cơ quan chịu trách nhiệm chính tổ chức kỳ thi, Bộ GD-ĐT phải đưa ra những thay đổi cho kỳ thi. Phải thực sự thông cảm rằng không chỉ có giáo viên, học sinh mà chính Bộ GD-ĐT cũng không muốn mỗi năm thay đổi cách thi một lần.

Nhưng nhận ra bất cập mà không thay đổi thì dư luận sẽ nhìn nhận trách nhiệm của bộ thế nào? Có lẽ Bộ GD-ĐT quá hiểu phản ứng của dư luận khi tiến hành thay đổi, nên đã rất thận trọng trong đổi mới: để học sinh kịp chuẩn bị, bộ chỉ yêu cầu nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12, tức là chương trình các em vừa mới bắt đầu học; sang năm 2018 mới bổ sung chương trình lớp 11; và từ năm 2019 trở đi mới bổ sung chương trình lớp 10.

Tuy nhiên, dù có tự giải thích theo hướng rất tích cực như vậy, tôi vẫn thấy rằng bộ cần có sự thay đổi căn bản trong đổi mới các kỳ thi. Bộ cần nghiên cứu một cách chu đáo và công bố sớm lộ trình đổi mới kỳ thi trong các năm tiếp theo, sao cho không để tái diễn cảnh mỗi năm một lần đổi mới, mỗi năm một lần học sinh lớp 12 lại thấp thỏm về những đổi thay của kỳ thi phía trước.

Theo quan sát của tôi, dù đổi mới thế nào rồi cũng sẽ phải đi đến một trong hai phương án: hoặc giao việc thi tốt nghiệp THPT cho các sở GD-ĐT và để các trường ĐH, CĐ tự quyết định phương án tuyển sinh của mình; hoặc thành lập các trung tâm khảo thí để những trung tâm này đứng ra tổ chức các kỳ thi mà kết quả của nó sẽ làm cơ sở để các sở GD-ĐT xét công nhận tốt nghiệp THPT, các trường xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Không có một phương án thi quốc gia nào hoàn hảo để áp dụng một cách ổn định hoàn toàn trong cả chục năm hay thậm chí chỉ cho vài năm. Tuy nhiên, những thay đổi hằng năm nếu có chỉ nên là những thay đổi nhỏ, không gây xáo trộn về tâm lý học sinh, cũng như cách dạy - học và chất lượng dạy - học.

Người dân sẽ tin vào đổi mới hơn nếu những đổi mới ấy được nghiên cứu một cách bài bản, công bố toàn bộ lộ trình để thí sinh chuẩn bị mà không rơi vào cảm giác bất ngờ.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT

 

NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên