Dù với hình thức "ăn theo", copy hay giả mạo đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng của những hành vi này là muốn đạt lợi nhuận nhanh, dễ dàng.
Ở Việt Nam, hễ một đơn vị làm tốt hay doanh nghiệp nghĩ ra mô hình nào đó ăn khách là ngay sau đó sẽ bị bắt chước, ăn theo.
Sự cạnh tranh không lành mạnh này còn bị đẩy lên cao khi so với "hàng chính gốc", những thương hiệu nhái lại làm ăn chụp giật, lấp liếm, khiến người chủ thật bị vạ lây. Cách thức kinh doanh này thành công đến mức đây là "công thức" của nhiều người làm ăn.
Người tiêu dùng như rơi vào mê cung, bị nhầm lẫn bởi những cái tên na ná đặt cạnh nhau hay thêm những chữ "mới", "tân" hay thêm dấu một cách kín kẽ.
Điểm chung của hai vị chủ thương hiệu nêu trên là họ đã có một hành trình đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.
Với chủ quán Thanh Sương chính gốc, từ hai năm trước, bà đã làm thủ tục để được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp, có thời hạn 10 năm.
Vị chủ quán này cũng đã chủ động nộp hồ sơ lên các cơ quan liên quan về việc xử lý các tên quán "ăn theo", "mạo danh", nhưng chưa có kết quả.
Ông Hồ Quang Cua nổi tiếng hơn nhưng cũng mệt mỏi bảo vệ "đứa con" của mình. Và cuối cùng, người tiêu dùng cũng mệt mỏi không kém vì mua phải hàng kém chất lượng, bị lừa dối.
Vì sao tình trạng nhái, bắt chước, ăn theo... vẫn phổ biến?
Trước hết là từ nhận thức, đạo đức của người kinh doanh. Một quán mở trước có tên tuổi rồi thì những quán ăn theo sẽ dễ hút khách.
Con đường kinh doanh dễ dàng này được nhiều người lựa chọn, trong khi chế tài về lỗi vi phạm sở hữu trí tuệ lại chưa đủ răn đe.
Nếu có xảy ra tranh chấp, kiện tụng, quy trình này sẽ kéo dài, ngay cả khi xử phạt hành chính thì mức xử phạt cũng thấp hơn nhiều so với lợi nhuận kiếm được.
Chưa kể, để xử phạt được thì bên thực thi cũng mất chi phí, thời gian, công sức.
Thứ hai là chi phí tuân thủ pháp luật về thực hiện quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ vẫn khá cao ở Việt Nam, không phù hợp với những hộ kinh doanh nhỏ. Nếu hồ sơ suôn sẻ, có khi mất cả hai năm để được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Nhưng có văn bằng bảo hộ này cũng chưa hẳn là được yên ngay. Vì vậy, lắm khi ông chủ thương hiệu phải mệt mỏi, thậm chí cô đơn khi bảo vệ quyền lợi của mình.
Tình trạng nhờn luật khi hàng nhái, "cầm nhầm" hoặc làm hàng giả thương hiệu nhưng không bị nghiêm trị đang tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh. Là mảnh đất màu mỡ cho những người ra làm ăn nhưng lại có suy nghĩ làm giàu phi pháp, lấy của người làm của mình. Không chỉ thế, nạn "cầm nhầm" còn tạo ra một "hệ sinh thái" ăn theo hàng giả, hàng nhái.
Đó là những người bán hàng giả, họ treo bảng thật nhưng lẫn vào hàng giả vì có chiết khấu cao. Và họ tìm mọi cách để lừa người tiêu dùng với cái nhãn hàng thật nhưng bán hàng giả. Và cũng vì bán hàng giả, họ cũng gian dối về sổ sách, thuế...
Một khi thương trường có quá nhiều người làm ăn gian dối, "vui vẻ" cầm nhầm mà không bị xử lý, những người làm ăn chân chính phải co lại, chẳng nghiên cứu, hạn chế đầu tư để tạo ra những sản phẩm, thương hiệu có giá trị cao chỉ vì sợ bị đánh cắp.
Vì vậy, đừng để những người như ông Cua phải "cô đơn" khi bảo vệ thương hiệu gạo ST25 của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận