Tuy nhiên, với quán cóc vỉa hè, xe ôm…, ngoại trừ một số ít khấm khá đủ khả năng nộp thuế, phần còn lại có thu nhập hằng tháng chỉ đủ sống nên có nhiều điều ngành thuế cần cân nhắc chủ trương này.
Có lẽ giới kinh doanh quán cóc, quán vỉa hè cũng có người kha khá không đến mức gọi là nghèo. Riêng với xe ôm chưa thấy ai nói có thu nhập kha khá, hầu hết vất vả kiếm ăn qua ngày. Vậy liệu ngành thuế thu được bao nhiêu trong số đó?
Tinh thần chung là quản lý thuế nhưng thực tế cũng đã cho thấy không ít trường hợp nguyên tắc này đã bị lạm dụng. Không khéo khi chủ trương này được triển khai thì tại các địa phương, những hình ảnh đau lòng cũng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn: cảnh đuổi chạy giành giựt từng chiếc xe cái ghế, khóc lóc, van xin đủ điều với các cơ quan thực thi do người kinh doanh không có tiền nộp thuế; cảnh xe ôm bỏ chạy khi cơ quan chức năng đuổi theo...
Nếu không đủ lý lẽ, có khả năng họ sẽ bị đẩy ra khỏi vỉa hè. Không phải bị bỏ lại phía sau nữa, họ sẽ bị quẳng lại phía sau. Một vài hình ảnh đau lòng như thế trong thời gian qua cũng đủ để làm xấu đi không nhỏ hình ảnh của nhiều đô thị.
Ở một thái cực khác, có đến hàng trăm ngàn tỉ đồng của các công ty đa quốc gia né thuế, trốn thuế. Và có không ít các đại gia Việt mà tên tuổi của họ xuất hiện tại các thiên đường né thuế ở nước ngoài.
Huy động toàn lực bộ máy thu thuế ở các xã phường cả nước để có thêm chút ít nguồn thu thuế kinh doanh ở các quán cóc hay kinh doanh vỉa hè chắc không thể hiệu quả bằng việc tập trung nguồn lực và tài trí để truy thu thuế cho bằng được các đại gia kia và một vài doanh nghiệp FDI nọ né thuế.
Đến khi nào kinh tế phát triển và quá trình đô thị hóa làm cho các hộ kinh doanh lòng lề đường ngày càng ít đi, lúc đó hãy tính đến chuyện thu thuế cũng chưa muộn. Còn nếu hiện tại ngành thuế vẫn muốn triển khai chủ trương "đưa vào tầm ngắm" với quán cóc, xe ôm ngay thì phải đánh giá toàn diện và khách quan về tình trạng kinh doanh, thu nhập của các hộ kinh doanh vỉa hè cũng như con số thuế khả dĩ có thể thu được.
Đừng để người dân hiểu rằng công bằng trong thu thuế chỉ là để dành cho riêng người nghèo và kinh doanh nhỏ lẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để họ bị bỏ lại phía sau". Thông điệp này ắt hẳn đáng để ngành thuế suy ngẫm nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận