Ai cũng hiểu gây ô nhiễm môi trường là hành vi nguy hiểm, có thể để lại hậu quả nặng nề cho con người trong dài hạn.
Xã hội luôn mong có một hệ thống quản lý, kiểm soát có hiệu quả cho phép ngăn chặn, khống chế kịp thời những hành vi như thế. Nhưng cứ ít lâu sau một vụ bê bối liên quan đến bảo vệ môi trường bị phanh phui, người ta lại nghe tiếp một vụ bê bối khác. Môi trường bị xâm hại liên tục; báo chí, người dân cũng liên tục và miệt mài kêu gọi xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân đã lấy đi sự trong lành của môi trường để làm lợi cho bản thân.
Chắc chắn, nếu biết rằng việc mình làm có thể dẫn mình đến rủi ro tán gia bại sản, thậm chí bản thân phải chôn vùi cuộc đời một cách tủi nhục trong chốn lao tù thì chẳng ai dại gì mà làm. Theo pháp luật hiện hành, trong trường hợp một tổ chức có tư cách pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật xâm hại môi trường thì nhiều lắm pháp nhân có thể bị xử lý về mặt hành chính, dân sự, chứ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Lỗ hổng luật pháp này đã được khai thác và dẫn đến nhiều vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nổi đình đám trong mấy năm qua.
Bài bản vi phạm khá đơn giản: doanh nghiệp xả hoặc chôn giấu chất thải độc hại vào môi trường tự nhiên; khi bị phát hiện, doanh nghiệp nộp phạt; nếu có ai kiện đòi bồi thường thiệt hại thì doanh nghiệp hầu kiện và bồi thường theo phán quyết. Sau khi vụ việc kết thúc thì doanh nghiệp tiếp tục hoạt động bình thường. Lãnh đạo doanh nghiệp, về phần mình, không phải ngồi tù, chẳng mất chức.
Đáng nói nữa là tổng số tiền nộp phạt và bồi thường thiệt hại (nếu có) thường nhỏ hơn số chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để xử lý một cách nghiêm túc và triệt để các chất độc hại được xả hoặc chôn giấu trái phép. Sự đánh đổi quá dễ mà lại có lợi giải thích vì sao doanh nghiệp chọn sự vi phạm, chứ không phải sự tôn trọng đối với luật pháp, trong việc giải bài toán xử lý chất thải.
Người dân thắc mắc: tại sao sơ hở của hệ thống luật pháp chậm được khắc phục, để kẻ xấu thoải mái lợi dụng? Vấn đề điều chỉnh nâng mức phạt tiền đối với hành vi xâm hại môi trường nhằm bảo đảm tính răn đe của biện pháp chế tài từng được đặt ra nhân vụ xử lý hành vi chôn giấu chất thải của Hyundai - Vinashin. Việc thừa nhận khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng từng được xới lên nhân vụ Vedan xả chất thải chưa xử lý xuống sông Thị Vải. Nhưng sau khi các vụ liên quan được khép lại thì vấn đề cải cách luật pháp kéo theo đó cũng được để qua một bên.
Khung pháp lý lỏng lẻo, bộ máy kiểm tra lại tỏ ra kém “thiện chiến” hơn người vi phạm. Việc người dân địa phương chủ động tổ chức canh giữ vật chứng trong vụ Nicotex Thanh Thái vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường được hiểu là nỗ lực tự phát của người dân để trợ lực cho hệ thống quản lý.
Không nên để cách ứng xử này trở nên phổ biến, vì đó là dấu hiệu của một hệ thống quản lý yếu kém.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận