Cán bộ, chiến sĩ ở Sơn La ngày đêm tuần tra, chốt chặn nơi biên ải. Ngày nắng rát, có hôm mưa trắng trời, đêm thì giá lạnh các anh vẫn vững vàng bám biên, tuyên truyền cho bà con phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La
Một lần nữa, cả xã hội lại lo lắng khi có người nhập cảnh trái phép, đi nhiều nơi, nay trở thành bệnh nhân COVID-19. Bộ máy chống dịch lại vất vả truy vết, cách ly, xét nghiệm... Đã có quy định về phòng chống dịch bệnh nhưng vì sao hoạt động phòng dịch của toàn xã hội lại bị phá bĩnh chỉ vì một vài cá nhân và tình trạng này cứ lặp đi lặp lại?
Trước đó, khi ca lây nhiễm trong cộng đồng được công bố cuối tháng 11 ở TP.HCM, khách của công ty chúng tôi lần lượt hủy và hoãn tour dù trước đó thị trường rất hứng khởi. Chúng tôi mất luôn mùa kinh doanh cuối năm và Tết dương lịch, thiệt hại khoảng 180 tỉ đồng.
Hồi tháng 7, dịch bùng phát ở Đà Nẵng đã "cuốn bay" của công ty hơn 300 tỉ đồng. Mùa kinh doanh lớn nhất trong năm đã sụp đổ nhanh chóng không ngờ. Mở rộng ra, nhiều công ty khác, số thiệt hại là rất lớn.
Sau mỗi lần có ca nhiễm bùng phát, doanh nghiệp lữ hành lại rơi vào khó khăn khi chịu sức ép trả tiền cho khách hàng trong khi các hãng hàng không không chịu cho hoãn và hủy dịch vụ. Tour tuyến ngừng, không có doanh thu, lao động vừa có việc trở lại tiếp tục rơi vào thất nghiệp. Hệ lụy rơi vào từng cá nhân, mỗi gia đình không chỉ trước mắt mà cả về lâu dài.
Không thể chấp nhận một số cá nhân bất chấp quy định đã trở thành nguồn lây bệnh, gây rủi ro cho toàn xã hội như thời gian qua.
Đành rằng nhu cầu trở về quê hương, về nhà của mỗi công dân đều chính đáng. Chính phủ cũng có chương trình hỗ trợ công dân hồi hương trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, hơn 250 chuyến bay đã đưa hàng chục ngàn công dân Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới về nhà an toàn.
Nhưng nhu cầu chính đáng ấy phải nằm trong khuôn khổ pháp luật và mỗi công dân phải có trách nhiệm với cá nhân, với gia đình cũng như cộng đồng chứ không thể bất chấp tất cả. Dịch bệnh đang hoành hành, sự di chuyển của cá nhân nếu bất cẩn đều có thể gây khủng hoảng cho xã hội, gián đoạn hoạt động kinh tế, vì thế ý thức ấy càng phải được nâng cao.
Bao kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, chính sách điều hành của cơ quan quản lý hay gần gũi hơn là kế hoạch du lịch, giải trí của người dân bị xáo trộn, đổ bể trong chốc lát chỉ vì sự thiếu ý thức của một vài cá nhân. Vì vậy, người gây ra hậu quả phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Không doanh nghiệp nào muốn kế hoạch kinh doanh của mình bị gián đoạn, đổ vỡ vì COVID-19. Chẳng gia đình hay cá nhân nào muốn phải ngồi nhà, không thể làm ăn, không đi du lịch, không thể đến trường... chịu giãn cách xã hội vì dịch bùng phát.
Hãy xử nghiêm, không thể để "một người hại muôn người".
Ở đây không nên có tình thương hay sự thông cảm, hãy nghĩ đến số đông những gia đình, lao động, doanh nghiệp đang khốn đốn do hậu quả của hành vi bất chấp pháp luật của một vài cá nhân.
Phải tuân thủ và thực thi nghiêm luật pháp để đảm bảo tính răn đe và cả tính giáo dục; nhìn vào đó, những người khác không thể lặp lại hành vi trở thành nguồn nguy hại cho xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận