Một khu cách ly các trường hợp F1 trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo thống kê, có 60 - 80% người nhiễm COVID-19 không hề có dấu hiệu gì, như em sinh viên được phát hiện mắc bệnh sau vụ tai nạn ở Tiền Giang là một ví dụ. Virus vô hình với mọi người, nó có thể vô hại trên chính bản thân người nhiễm không triệu chứng nhưng bất chợt nó gây họa cho người khác.
Áp lực nặng nề
Một người nhiễm COVID-19 được phát hiện thường kéo theo gấp 10 lần những F1 phải cách ly, xét nghiệm 3 lần. Chưa kể phía sau là những F2, F3, F4, F5… Chỉ cần 1 ca F0 mang biến thể Ấn Độ "lang thang" trong 2 ngày là có thể tạo ra 10 F0 khác, trong 5 ngày thì "lãi mẹ đẻ lãi con", cứ thế nhân lên như mô hình đa cấp.
TP.HCM những ngày qua vẫn giữ được số ca bệnh ở mức vài trăm, chưa bước qua con số ngàn, nhưng lượng người tiếp xúc qua các vòng ước chừng đã 170.000 - 200.000 với hàng trăm địa điểm phải khoanh vùng, phong tỏa và hàng ngàn người phải cách ly tập trung. Chỗ đâu mà cách ly, sức người sức của cho việc xét nghiệm sẽ rất lớn, chưa kể các hệ lụy khác.
Với thực tế đang diễn ra, hàng chục ca nhiễm chưa rõ nguồn lây, nguy cơ có hàng ngàn người nhiễm cùng lúc không còn là một viễn cảnh vì dù chúng ta đang cố gắng truy vết nhưng không thể nào không bỏ sót.
Cách chúng ta đang làm là cách ly tập trung 100% các trường hợp F1, nếu số ca nhiễm cùng lúc lên hàng 5.000, 10.000 hoặc cao hơn nữa thì lượng người phải cách ly sẽ cực kỳ lớn, nhân lực và cơ sở hạ tầng khó lòng chịu thấu.
Đó là chưa kể trung bình có 5% bệnh nhân trở nặng, cần điều trị, thậm chí can thiệp bằng những trang thiết bị hồi sức cao cấp để cứu mạng. Nghĩa là cứ 1.000 ca nhiễm thì có 50 ca phải can thiệp sâu. Nếu lượng ca nhiễm càng cao thì số ca nặng cũng tăng lên tương ứng, áp lực chữa trị sẽ càng đè nặng lên lực lượng y tế.
Cách ly F1 tại nhà để giảm nguy cơ
Vấn đề đặt ra lúc này là phải áp dụng cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1, chỉ ca nào không đủ điều kiện cách ly ở nhà thì mới cách ly tập trung. Thậm chí, khi F1 đang cách ly tại nhà mà chuyển thành F0 nhưng không triệu chứng hoặc tình trạng không nặng thì vẫn tiếp tục cách ly tại nhà.
Nếu F1 được đảm bảo ở nhà 100%, cách ly tốt, thì dù có thành F0 rồi tự hết (khả năng 80%) cũng không có nguy cơ lây lan.
Việc giám sát cách ly tại nhà có thể rất dễ dàng, bằng chính chiếc điện thoại thông minh của bệnh nhân. Mỗi ngày nhân viên y tế chỉ cần hướng dẫn đo nhiệt độ báo cáo, hỏi triệu chứng ho, mệt, khó thở, bật camera đảm bảo đang trong phòng, đánh giá được tổng trạng, nhịp thở, ngày kiểm tra ngẫu nhiên 3 lần... nếu có tình trạng sức khỏe chuyển xấu thì đưa nhập viện.
Các thuốc điều trị, nâng sức đề kháng có thể phát trước và hướng dẫn cho bệnh nhân dùng. Dĩ nhiên quy trình, tiêu chuẩn cách ly phải được viết thật rõ, chi tiết để nhân viên y tế áp dụng giám sát và bệnh nhân thấu hiểu, tuân thủ.
Bệnh nhân phải luôn nghe khi có điện thoại và bật camera, nếu không nghe điện thoại thì nhân viên giám sát sẽ có mặt.
Có một điểm có thể tác động rất lớn lên nhận thức người dân khi để F1, F0 không triệu chứng ở nhà. Người dân sẽ cảm thấy F0 luôn ở đâu đó nên họ sẽ tuân thủ tốt hơn rất nhiều. Việc cách ly tập trung triệt để F1 ít nhiều tạo cho những người khác tâm lý chủ quan, trong khi có người còn không biết rằng mình đã là F0 tự lúc nào.
Các đợt giãn cách xã hội đã và đang thực hiện cho thấy việc người dân tuân thủ 5K trong sinh hoạt, lao động, giao tiếp giúp hạn chế tốc độ lây nhiễm của COVID-19 trong cộng đồng.
Sẽ hiệu quả hơn nữa nếu mỗi người tự mình đối chiếu với lịch trình, các khu vực có các ca nhiễm rồi tự cách ly để không biến thành "F0 lang thang" và đủ thời gian để ngành y tế xử lý các ổ dịch.
Hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần tự ý thức bảo vệ mình, bảo vệ những người xung quanh và chung tay cùng xã hội ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận