Hai chiếc loa bật lớn quảng cáo bán hàng, gây tiếng ồn đặt tại vỉa hè khu vực Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Đây không phải lần đầu tiên mâu thuẫn xuất phát từ việc gây ồn ào khu dân cư đã dẫn đến tranh cãi, đánh nhau, thậm chí là chém nhau gây thương tích. Nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra ở nhiều nơi. Diễn biến của vụ việc mới xảy ra thêm lần nữa nhắc chính quyền cơ sở (phường, xã) suy nghĩ về vai trò, chức trách của mình trong vấn đề này.
Tình trạng gây ồn ào của một số người dân, cơ sở kinh doanh làm ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh đã tồn tại dai dẳng nhiều năm nay và làm rất nhiều người dân bức xúc. Dù vậy, nhiều người dân thường lựa chọn chịu đựng vì sợ mất tình hàng xóm, e ngại gặp phiền phức khi phản ảnh, kiện cáo trong khi hiệu quả giải quyết chẳng đến đâu.
Lâu ngày giữa phía gây ồn ào và bên phải chịu đựng tiếng ồn đã chất chứa những mâu thuẫn, đặc biệt khi phía gây ồn ào đã bỏ ngoài tai những góp ý, yêu cầu giảm âm lượng. Nếu tình trạng này không có giải pháp xử lý căn cơ thì cảnh cãi vã, thậm chí đánh nhau đổ máu sẽ còn tiếp diễn, đánh mất sự bình yên ở một số địa bàn dân cư.
Giải pháp tốt nhất vẫn là đừng để người dân trực tiếp đối đầu với nhau, mà chính quyền cơ sở cần thực hiện chức trách của mình, xử lý thấu đáo những phản ảnh về tiếng ồn.
Chưa cần phải xác lập chứng cứ, đo đạc mức độ ồn... để làm cơ sở xử lý vi phạm, mà cán bộ của chính quyền cơ sở hãy cùng người dân cảm nhận mức độ ồn thực tế như thế nào tại mỗi thời điểm khi có phản ảnh của cộng đồng dân cư, từ đó đưa ra những yêu cầu đối với những người gây ồn.
Khi tình trạng ồn ào không chấm dứt, nhiều lần lặp lại và trở thành "điểm nóng" nho nhỏ ở địa bàn dân cư, chính quyền cơ sở phải quyết liệt xử lý để chấm dứt. Nếu chính quyền cơ sở không đủ khả năng chuyên môn hoặc thiếu thiết bị chuyên dụng để xác định mức độ ồn thì phải kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng xử lý và đeo bám yêu cầu thực hiện kiến nghị này.
Đây là một trong những điểm mấu chốt giải quyết vấn nạn tiếng ồn hiện nay. Vì thực tế cho thấy lâu nay chính quyền cơ sở thường đưa lý do "bó tay, vì thiếu chuyên môn, thiết bị", trong khi chính quyền cấp cao hơn (quận, huyện và tỉnh, thành phố) lại cho rằng "chuyện nhỏ ở phường, ở xã thì cơ sở phải xử lý".
Bên cạnh đó, truyền thông cũng cần đồng hành với người dân khi những vụ việc gây ồn ào được phản ảnh nhiều lần mà chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng chưa có biện pháp triệt để. Cần lên tiếng mạnh mẽ hơn đối với những vụ việc thế này và nghiêm túc đặt vấn đề về khả năng thực hiện chức trách của chính quyền cơ sở, có như vậy những chuyện đau lòng như đổ máu vì tiếng ồn mới không xảy ra thêm nữa.
Đã có mức phạt từ 1 triệu đến 160 triệu đồng
Ô nhiễm tiếng ồn rõ ràng sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe, tâm lý của những người sống xung quanh "trung tâm phát ra tiếng ồn". Các nghiên cứu y khoa cho thấy nếu sống trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn, người ta có thể mắc các chứng bệnh như ù tai, giảm thính lực, gặp căng thẳng tâm lý do mất ngủ và dễ gây kích động bạo lực do sự căng thẳng tâm lý vì tiếng ồn gây nên.
Có người còn cho rằng vì ô nhiễm tiếng ồn làm giảm chất lượng cuộc sống nên được xem là một "sát thủ giấu mặt", là một trong những nguồn gốc gây nên những hành vi bạo lực trong xã hội mà vụ hỗn chiến ngày 9-12 vừa qua là minh chứng cụ thể.
Về mặt luật pháp, việc xử phạt hành vi gây tiếng ồn vượt mức cho phép trong khu dân cư đã được quy định rõ tại thông tư 39/2010/TT-BTNMT, có hiệu lực từ tháng 2-2011. Theo đó, việc vi phạm các quy định về tiếng ồn sẽ bị xử hành chính với mức tiền phạt từ 1 triệu đồng cho đến 160 triệu đồng.
Thông tư này cũng hướng dẫn nếu xung quanh gia đình người dân có các cơ sở sản xuất, hộ gia đình có các hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn thì người dân có thể làm đơn khiếu nại đến UBND cấp xã, phường để yêu cầu chấm dứt hành vi gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân trong khu vực sinh sống.
Thế nên, cần phải có những chương trình, đợt truyền thông nhằm giúp người dân hiểu những tác hại của ô nhiễm tiếng ồn cũng như cách đối phó hợp pháp với người gây ra tiếng ồn. Chính quyền nên cho in những tờ rơi phát cho từng hộ dân, trong đó có phần nói về các tác hại của ô nhiễm tiếng ồn kèm theo những quy định xử phạt về việc gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư.
Đặc biệt cần phải có các đợt truyền thông về ý thức tôn trọng cộng đồng: mình vui nhưng đừng khiến người xung quanh phải phiền lòng, đó mới là vui trọn vẹn và văn minh.
Lê Minh Tiến
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận