Đừng để lực lượng lao động dồi dào trở thành gánh nặng!

TTCT - “Tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong quá khứ đã che phủ nhiều thách thức cơ cấu: tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ thay vì tập trung vào đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng”.

Cố vấn chính sách của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), tiến sĩ Michaela Prokop, chia sẻ với TTCT nhân dịp Liên Hiệp Quốc ban hành Báo cáo giữa năm cập nhật về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2012 (*).

Phóng to
TS Michaela Prokop - Ảnh: Việt Dũng

Bất ổn kinh tế vĩ mô việt Nam: do phân bố nguồn lực công không hiệu quả

Tiến sĩ Prokop cho biết: Trước hết, tôi phải nói rằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng về tài khóa, nhất là ở các nước dùng đồng euro, đã tạo ra tác động ngược tới tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Với Việt Nam, các bạn đang phải đối mặt với những thách thức tương tự nhưng cũng tương đối khác biệt. Trong khi tăng trưởng ở khu vực đồng euro bị đình trệ từ vài năm qua và lạm phát khá thấp thì tăng trưởng của Việt Nam lại ở mức tương đối cao, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Có được như vậy một phần là do các chính sách kích thích tăng trưởng của Chính phủ. Tuy vậy, những chính sách đó cũng góp phần làm gia tăng mức độ tổn thương về kinh tế vĩ mô, đặc biệt lạm phát cao. Bằng việc ban hành và thực hiện nghị quyết 11, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu tập trung nhiều hơn, và phải nói là tương đối thành công, vào việc bình ổn nền kinh tế.

Hiện nay, việc thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô cả về tài khóa và tiền tệ đang bắt đầu tác động tới tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản còn người lao động thì mất việc. Lãi suất cao, tiếp cận vốn khó khăn, chi phí đầu vào gia tăng và tiêu dùng giảm đều góp phần khiến tình hình khó khăn hơn. Do vậy, Chính phủ lại quay về với thúc đẩy tăng trưởng.

Tôi nghĩ điều quan trọng là phải tìm điểm cân bằng giữa kích thích tăng trưởng ngắn hạn với việc khởi động, duy trì và thực thi cải cách cơ cấu vì đây mới là điều căn bản để đưa nền kinh tế lên một quỹ đạo tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn.

Châu Á suy giảm tăng trưởng so với năm 2011

“Hiện khủng hoảng nợ khu vực đồng euro vẫn là mối nguy lớn nhất với kinh tế thế giới. Các nước phát triển vẫn đang vật lộn để vượt qua những khó khăn kinh tế có từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và bốn điểm yếu chủ yếu sau đây được cho là sẽ cản trở sự khôi phục kinh tế mạnh mẽ: 1) ngân hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình tiếp tục kìm hãm dòng tín dụng cũng như nhu cầu tiêu dùng và đầu tư; 2) thất nghiệp vẫn cao; 3) thắt lưng buộc bụng tài khóa khiến việc trả nợ càng khó khăn và 4) nợ ngân hàng kết hợp với nợ quốc gia của nền kinh tế đang sẵn ốm yếu có thể làm gia tăng tính mong manh của khu vực tài chính.

Với các quốc gia đang phát triển ở châu Á, Liên Hiệp Quốc dự báo tăng trưởng trung bình toàn khu vực sẽ giảm từ 7,1% năm ngoái xuống 6,5% năm 2012 và tăng lên một chút 6,9% năm 2013”.

* Báo cáo giữa năm của Liên Hiệp Quốc khuyến nghị các nước nên chuyển từ các biện pháp thắt lưng buộc bụng tài khóa sang các gói kích thích mới, bà nghĩ thế nào về trường hợp của Việt Nam?

- Tôi nhận thấy sự suy giảm tăng trưởng và lạm phát hạ thấp gần đây lại đặt ra vấn đề tranh cãi: tăng trưởng hay lạm phát? Với nghị quyết 13 ra tháng 5-2012, Chính phủ đã đưa ra một loạt biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp đang khó khăn và Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tái cấp vốn vài lần từ đầu năm đến nay. Tăng trưởng GDP đã hồi phục chút ít, đạt mức 4,7% trong quý 2 so với 4% ở quý 1.

Theo tôi, kích thích tài khóa và tăng tín dụng có thể mang lại tăng trưởng kinh tế về ngắn hạn, nhưng nhiều nguyên nhân gốc rễ của bất ổn kinh tế vĩ mô Việt Nam mang tính cơ cấu, liên quan tới việc phân bổ nguồn lực công không hiệu quả nhiều hơn là do các yếu tố bên ngoài tác động.

Tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong quá khứ đã che phủ nhiều thách thức cơ cấu mang tính nền tảng: tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và khai thác lao động rẻ là chính thay vì tập trung vào đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.

* Bà có thể nói rõ hơn về việc tăng trưởng dựa vào đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng trong trường hợp Việt Nam?

- Trên thực tế đã có nhiều cuộc thảo luận về việc Việt Nam nên làm gì để đa dạng hóa và cải thiện giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu. Theo tôi, điều đó phần lớn liên quan tới việc cải thiện kỹ năng, giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục cũng như hàng loạt vấn đề về tái cơ cấu kinh tế. Nhiều người nhất trí là Việt Nam nên học tập ví dụ của Hàn Quốc nhưng nền tảng thành công của Hàn Quốc lại ở bối cảnh quốc tế rất khác và vì thế có thể không áp dụng được với trường hợp Việt Nam.

Việc cải thiện chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế hiện nay không hề dễ dàng. Mặc dù Việt Nam có mức nợ công tương đối an toàn nhưng chi phí của việc cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực tài chính có thể tăng lên đáng kể vì mức nợ xấu và nợ dự phòng tăng.

Cắt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, Việt Nam tiết kiệm được 3 tỉ USD/năm!

* Việt Nam đang đối mặt với ngân sách tài khóa hạn chế mà lại có rất nhiều nhu cầu phát triển trong bối cảnh nguồn ODA đang giảm dần. Theo bà, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thể trông cậy vào những nguồn lực nào khác?

- Ngoài các nguồn lực đến từ bên ngoài thì Việt Nam sẽ tiết kiệm đáng kể nếu giải quyết được việc phân phối nguồn lực công không hiệu quả. Ví dụ: chỉ cần cắt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 3 tỉ USD để đóng góp cho ngân sách mỗi năm (xem Cải cách tài khóa cả cho nhiên liệu hóa thạch). Những trợ cấp như vậy hiện rất không hiệu quả, làm lợi cho người giàu hơn người nghèo, gây cản trở cho tăng trưởng và hiện đại hóa trong tương lai cũng như cho việc giảm khí thải nhà kính.

Ngoài ra, việc giải quyết các vấn đề không hiệu quả trong DNNN, ngân hàng và sắp xếp ưu tiên trong đầu tư công cũng rất cần thiết để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân có chất lượng - một động lực quan trọng khác để hỗ trợ tăng trưởng và tạo công ăn việc làm.

* Bà có lời khuyên gì cho Việt Nam để có thể đưa nền kinh tế vượt qua được thời kỳ khó khăn này, hỗ trợ được khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo thêm việc làm cho lực lượng lao động?

- Theo tôi, các biện pháp kích thích tài khóa và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình khó khăn trong ngắn hạn. Về dài hạn, Chính phủ cần đảm bảo sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế. Kế hoạch tái cơ cấu hiện nay nhấn mạnh vào vai trò của DNNN và các lĩnh vực mà DNNN thống trị.

Có nhiều bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của DNNN trong nền kinh tế đã suy giảm, họ kém hiệu quả trong việc sử dụng các yếu tố đầu vào như đất đai và vốn so với khu vực tư nhân và nước ngoài. Họ cũng không còn quan trọng như trước trong khía cạnh tạo việc làm. Bởi vậy cần phân tách rõ ràng giữa vai trò chủ sở hữu nhà nước, cơ quan điều tiết và các lực lượng thị trường. Việt Nam cần phải có các cải cách thể chế để hỗ trợ quá trình này.

Những việc làm này cần phải gắn với việc đảm bảo mạng lưới an sinh phù hợp để hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp gặp khó. Như vậy cũng sẽ làm nền kinh tế cũng như các hộ gia đình vững vàng hơn trước các cú sốc tương lai. Một lĩnh vực khác cũng cần cải thiện là đảm bảo tất cả mọi người đều được tiếp cận nền giáo dục có chất lượng và nâng cao kỹ năng.

Việt Nam có rất nhiều lợi thế, trong đó có lực lượng lao động trẻ dồi dào, nhưng nếu như không có cải cách thì một lực lượng lao động dồi dào rất có thể trở thành gánh nặng chứ không phải là cơ hội nữa.

Cải cách tài khóa cả cho nhiên liệu hóa thạch

Theo báo cáo mới nhất (tháng 5-2012) của UNDP tại Việt Nam, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính trợ cấp năng lượng hóa thạch ở Việt Nam (than, dầu, khí đốt) vào các năm 2007-2008-2009 và 2010 ở mức lần lượt là 2,1; 3,56; 1,2 và 2,93 tỉ USD, chủ yếu dành cho ngành điện.

Hiện thế giới đang kêu gọi các nước giảm bớt và tiến tới chấm dứt trợ cấp cho việc sử dụng các loại nhiên liệu này vì đó là gánh nặng đối với ngân sách nhà nước, làm tăng phát thải khí nhà kính và những nhóm thu nhập cao hơn hưởng lợi chứ không phải là những người nghèo.

Thông thường, các hộ gia đình giàu có hơn dùng lượng nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn và do đó hưởng lợi phần lớn từ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch (do nhà nước đã bỏ ngân sách ra để trợ cấp nhằm giúp duy trì giá thấp). Điều này được cho là rất đúng với Việt Nam - nơi dân số giàu có hơn tiêu dùng năng lượng nhiều hơn, nhất là ở tầng lớp có mức thu nhập ở giữa.

Về kinh tế, các chuyên gia tin rằng việc cắt trợ cấp và áp dụng thuế cacbon sẽ giúp tăng trưởng kinh tế dựa vào ít cacbon hơn. Về môi trường, ngành điện là nơi tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch nhất và thải nhiều khí nhà kính nhất. Các nhà khoa học ước tính nếu bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cho ngành điện, lượng phát thải sẽ giảm đáng kể vào năm 2020.

Theo UNDP, việc cải cách tài khóa cho nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp tăng sự tham gia của đầu tư tư nhân vào lĩnh vực sản xuất năng lượng cũng như tạo ra tăng trưởng xanh hơn.

Theo UNDP, Việt Nam cần có lộ trình giảm dần trợ cấp và tăng thuế với nhiên liệu hóa thạch vì nó đang khiến việc sử dụng năng lượng không hiệu quả, đặc biệt ở các khu vực dùng năng lượng nhiều như sản xuất thép, giấy, ximăng và việc ưu đãi các ngành này có thể làm méo mó cơ cấu kinh tế và kìm hãm sự phát triển của các ngành có tính cạnh tranh cao hơn.

__________

(*): http://www.un.org/en/development/desa/policy/wesp/index.shtml/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận