08/08/2024 17:15 GMT+7

Đừng để hình ảnh bảo vệ trở nên xấu xí

Bảo vệ không chỉ là công việc suốt ngày chỉ "canh chừng". Để làm tốt công việc này, bảo vệ cần phải trang bị những kiến thức về giao tiếp, văn hóa ứng xử.

Nam bảo vệ vung dùi cui đánh người nhà bệnh nhân - Ảnh: Cắt từ clip

Nam bảo vệ vung dùi cui đánh người nhà bệnh nhân - Ảnh: Cắt từ clip

Như đã thông tin, ngày 6-8, anh Chung Thành P. (28 tuổi, ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) phản ánh với Tuổi Trẻ Online việc anh bị bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đánh khi chở anh ruột vào khu vực phòng cấp cứu.

Bác sĩ Phạm Thanh Phong - phó giám đốc Bệnh viên Đa khoa trung ương Cần Thơ - xác nhận có vụ việc bảo vệ của bệnh viện ẩu đả với người nhà bệnh nhân.

Liên quan đến vụ việc, ông Lê Hoàng Phúc - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - nói thêm: "Lãnh đạo bệnh viện cam kết sẽ có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nhằm xây dựng hình ảnh của bệnh viện tốt hơn trong thời gian sắp tới".

Bảo vệ ở Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ ẩu đả với người nhà bệnh nhân

Theo nhiều bạn đọc, đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc bảo vệ hành hung người nhà bệnh nhân.

Bạn đọc Yen Nhi phản ánh: Chuyện nhân viên một số bệnh viện công xúc phạm bệnh nhân đến khám bệnh thường xuyên xảy ra. Họ xem thường bệnh nhân, kể cả người nhà bệnh nhân. Cần phải xem lại thái độ phục vụ của những nhân viên này.

Làm gì để không còn xảy ra trường hợp bảo vệ đánh người?

Dưới đây là chia sẻ của bạn đọc Lê Tấn Thời nhằm góp thêm góc nhìn về chuyện này.

Tuyển bảo vệ, không chỉ xét thành phần xuất thân

Những vụ việc không hay xảy ra gần đây liên quan đến nhân viên bảo vệ trong lúc thực thi nhiệm vụ cho thấy những khoảng trống về đào tạo nghiệp vụ bảo vệ.

Nhiều cơ quan, đơn vị tuyển vị trí bảo vệ hầu như chỉ xem xét phần lý lịch và thành phần xuất thân, chứ chưa chú trọng nhiều đến phần nghiệp vụ. Trong khi đó công việc này rất cần những kiến thức và kỹ năng nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình, cho khách hàng và cơ quan.

Hiện nay chỉ một số bảo vệ đến từ những công ty vệ sĩ được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, còn hầu hết xuất thân từ những ngành nghề khác. Thậm chí có nơi còn coi đây là công việc thời vụ cho một số người, vì thế việc thiếu kỹ năng, kiến thức khi thực thi nhiệm vụ là việc không tránh khỏi.

Không ít bảo vệ hành xử theo bản năng, chứ chưa chú trọng nhiều đến nghiệp vụ, văn hóa ứng xử.

Công việc đặc thù, cần đào tạo bài bản

Vệ sĩ hay bảo vệ là những nghề nghiệp đặc thù, cần được đào tạo một cách bài bản về kỹ năng.

Ngoài ra để mang lại hiệu quả cho nhiệm vụ được phân công, ngành nghề này cũng cần phải có những nghiệp vụ cần thiết như giao tiếp, ứng xử... Vì thực tế cho thấy ở các công ty, bệnh viện hay ở các cơ quan, bảo vệ là người đầu tiên tiếp xúc với khách hàng, với người dân ngay ở cổng.

Đừng nghĩ bảo vệ là công việc suốt ngày chỉ "canh chừng", nhân viên bảo vệ phải có kiến thức về cách giao tiếp, xử lý tình huống với khách hàng.

Tôn trọng khách hàng với thái độ chân thành, ân cần, niềm nở và luôn cầu thị... đó là những biểu hiện của văn hóa công sở mà bảo vệ cần phải học hỏi để tạo sự thân thiện, niềm tin. Đây là những hình ảnh đẹp, góp phần mang lại sự tin cậy đối với khách hàng khi đến cơ quan, đơn vị.

Ở góc độ pháp lý, kiến thức về pháp luật và sử dụng các công cụ hỗ trợ là những việc rất quan trọng đối với nhân viên bảo vệ, để đảm bảo không vi phạm pháp luật, kể cả việc ứng phó với những tình huống xấu, khẩn cấp.

Nhân viên bảo vệ phải hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ của mình trong công việc, chứ không phải muốn làm gì thì làm.

Có những tình huống bảo vệ phải thể hiện cái tôi. Nhưng cái tôi phải mang ý nghĩa tích cực và mang lại lợi ích chung cho xã hội.

Ngược lại, người thiếu kiến thức văn hóa và kỹ năng ứng xử thường thể hiện cái tôi của mình một cách tiêu cực. Nếu không kiềm chế được mình, rất dễ bị kích động và dễ xảy ra những việc đáng tiếc.

Không phải bảo vệ nào cũng "khó chịu"

Có những nơi bảo vệ rất thiện cảm. Đến giờ tôi vẫn nhớ hoài thái độ của một anh bảo vệ ở nhà hàng tại quận 5, TP.HCM.

Lần đó, khi xe vừa trờ tới là bảo vệ nhanh chóng dẫn xe vào cho khách, không để khách tự xếp hàng xe. Khi ra về cũng vậy, vừa dắt xe xong là cúi đầu cảm ơn khách. Gửi tiền xe nhất quyết không lấy, vui vẻ và niềm nở.

Mấy con nhà tôi cứ mãi ấn tượng với những bảo vệ này, về nhà khen tấm tắc.

Trong khi đó ngược lại có những bảo vệ cơ quan, công ty... khách đến hỏi chẳng muốn trả lời. Thái độ rất lạnh lùng, thiếu thân thiện.

Bạn đọc Lam

Bạn đọc phản ánh tiếp về thái độ của bảo vệ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần ThơBạn đọc phản ánh tiếp về thái độ của bảo vệ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ

Sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh vụ việc "Người nhà bệnh nhân tố bị bảo vệ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đánh", tòa soạn tiếp tục nhận được rất nhiều phản ánh về vụ việc xảy ra giữa bệnh nhân, người nhà và bảo vệ tại đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên