Đừng để “gọt chân cho vừa giày”

LAN ANH - TRÀ MY - L.T.HÀ 02/11/2016 02:11 GMT+7

TTCT - Câu chuyện bệnh viện công phải được điều hành hiệu quả và chuyên nghiệp với một giám đốc thật sự biết quản lý đang tạo ra một làn gió hứng khởi, nhưng cũng không ít e dè.

Các giường bệnh tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) có 2-3 trẻ nằm ghép. Trời nắng nóng khiến các em nhỏ và người nhà càng thêm vất vả-Hữu Khoa
Các giường bệnh tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) có 2-3 trẻ nằm ghép. Trời nắng nóng khiến các em nhỏ và người nhà càng thêm vất vả-Hữu Khoa


Nửa đầu năm 2016 chứng kiến nhiều sự kiện thú vị trong ngành y tế liên quan đến chiếc ghế giám đốc bệnh viện: một phó giám đốc bệnh viện kiện vì cho rằng mình xứng đáng hơn nhưng Bộ Y tế lại không bổ nhiệm, một “bác phó” khác viết tâm thư “nhắc” bộ trưởng việc hai bệnh viện lớn hiện chỉ có phó giám đốc điều hành, chưa bổ nhiệm giám đốc...

Trong bối cảnh ấy, Bộ Y tế đột ngột công bố ý tưởng muốn thuê giám đốc điều hành (CEO) cho bệnh viện công. Ý tưởng mới, nếu thực hiện được, có thể giúp hoạt động của bệnh viện công thay đổi theo chiều hướng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và có lẽ người dân sẽ hài lòng hơn.

Cần người quản lý giỏi

Theo quy chế hiện hành, một nhân sự muốn được bổ nhiệm làm giám đốc bệnh viện phải có đủ 7 tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn là bác sĩ chuyên khoa 2 hoặc tiến sĩ chuyên ngành phù hợp, đã đảm nhiệm chức phó giám đốc hoặc phó viện trưởng, phải trải qua quá trình lấy phiếu tín nhiệm từ cấp cơ sở...

Với những tiêu chuẩn này, một CEO chuyên nghiệp rất giỏi ngoại ngữ, giỏi điều hành, nhiều kinh nghiệm quản lý... khó có cơ hội ứng cử vì không đủ tiêu chuẩn về chuyên môn (thạc sĩ, tiến sĩ y khoa) và kinh nghiệm từng là phó giám đốc bệnh viện hoặc phó viện trưởng.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế Phạm Văn Tác thừa nhận đây là ý tưởng của bộ, muốn thực hiện phải được Bộ Nội vụ chấp thuận, tức là có thể bỏ bớt những tiêu chuẩn về bằng cấp chuyên môn, tăng yêu cầu về nghiệp vụ quản lý bệnh viện, thay đổi hẳn về tiêu chuẩn cần có của một giám đốc bệnh viện so với quy định hiện hành. Ông Tác cũng cho biết nếu được Bộ Nội vụ chấp thuận thì nên thí điểm trước.

Nguyên phó chủ tịch Tổng hội Y học VN Trần Hữu Thăng cũng rất thích thú với ý tưởng của Bộ Y tế. Theo ông Thăng, ở nhiều nước, bộ trưởng quốc phòng có khi không phải là nhà quân sự, bộ trưởng y tế có khi là một nhà kinh tế; họ giỏi về quản lý, điều hành, còn chuyên môn đã có cán bộ có chuyên môn phụ trách.

“Nhưng ở VN mình sẽ có những bất cập, CEO đó được đào tạo ở đâu? Ở VN chưa có trường chuyên đào tạo CEO cho bệnh viện nhưng nếu họ học ở nước ngoài, tôi không nói kiến thức của họ sai hay đúng, chỉ e rằng “vênh” với những quy định và tình hình trong nước” - ông Thăng góp ý.

Cũng theo ông Thăng, bảo hiểm y tế hiện không chi trả hết chi phí y tế, trong khi bác sĩ nước ngoài chỉ cần tính toán về khám chữa bệnh cho đúng, cho hiệu quả, còn chi phí đã có bảo hiểm lo.

Ở VN, có rất nhiều cách chi trả chi phí y tế: có nhóm bệnh nhân bảo hiểm lo một phần, người bệnh lo một phần; có nhóm bệnh nhân bảo hiểm chi 100%, nhưng có nhóm phải tự chi trả hoàn toàn về chi phí; có nhóm là người nghèo lại cần sự tham gia của các quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo...

Chưa kể các quy định khác về đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư, đầu tư từ ngân sách... chưa đồng bộ cũng có thể khiến CEO khó khăn khi ra các quyết định. “Tuy nhiên, cả hình thức thuê CEO và bổ nhiệm giám đốc như hiện hành đều có mặt ưu việt và mặt hạn chế. Theo tôi, có thể thí điểm trước khi triển khai rộng” - ông Thăng nói.

Tại nhiều diễn đàn chính thức gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ quan điểm không cần giám đốc bệnh viện là giáo sư, tiến sĩ, mà cần người giỏi về quản lý y tế.

Trong đào tạo bác sĩ, Bộ Y tế cũng đang hướng đến đào tạo cán bộ có chuyên môn quản lý y tế làm quản lý nhà nước, người làm giảng viên hay nghiên cứu, người làm lâm sàng (khám chữa bệnh), thay vì tất cả đều học y khoa 6 năm như nhau như hiện nay.

Bộ Y tế muốn thay đổi, nhưng muốn thay đổi được thì chính bộ phải dũng cảm bỏ được tư duy xin - cho (nhiều bệnh viện tự chủ hoàn toàn vẫn phải trình bộ từ giá kế hoạch đấu thầu thuốc vào bệnh viện) và quan trọng là có tư duy mới trong bổ nhiệm cán bộ.

Hãy để bác sĩ làm việc của bác sĩ

Trao đổi với TTCT, nhiều bác sĩ ủng hộ phương án tìm những người điều hành, nhà kinh doanh có chuyên môn trong lĩnh vực y tế để điều hành bệnh viện. Đa số đều cho rằng đó là xu thế chung, không thể làm khác được. PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp ĐH Y dược TP.HCM, đánh giá đây là xu hướng chung của thế giới và VN chúng ta, một đất nước đang trong quá trình hội nhập, không thể làm khác.

Các chuyên gia cho rằng những nhà quản lý chuyên nghiệp có khả năng quản lý nhiều lĩnh vực, không riêng gì lĩnh vực y tế. Điều quan trọng là không nhầm lẫn giữa điều trị và quản lý. Không phải chỉ có bác sĩ mới hiểu được ngành y.

Các bệnh viện cần một nhà quản lý thật sự, không nhất thiết phải là bác sĩ. Bác sĩ có thể giỏi về chuyên môn nhưng lại không rành rẽ về những hoạt động quản lý, vận hành bệnh viện, hiếm có người vừa là bác sĩ giỏi vừa có năng lực quản lý tốt.

TS.BS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng thuê CEO điều hành bệnh viện là hướng đi rất tích cực. “Nếu thuê CEO điều hành bệnh viện thì CEO muốn giữ vị trí đó chắc chắn buộc phải làm tốt, phải chuyển động, thay đổi tư duy để nâng chất lượng bệnh viện”.

Nhưng theo TS. BS Tăng Chí Thượng, một mình giám đốc dù tâm huyết cỡ nào, kiến thức cỡ nào mà êkip quản lý bên dưới không hiểu, không nắm bắt, không cùng làm thì cũng… như không. Vì vậy giám đốc bệnh viện phải tác động làm sao để nhân viên làm việc trực tiếp với người bệnh phải thật sự xem họ là khách hàng mới thành công được.

“Sở Y tế TP đã thấy điều này và ba năm nay chúng tôi mở lớp đào tạo liên tục cho đối tượng là trưởng các khoa, phòng của bệnh viện về quản lý bệnh viện vì họ là người giám sát trực tiếp bác sĩ, điều dưỡng đang chăm sóc người bệnh” - BS Thượng nói.

TS.BS Võ Xuân Sơn, Trung tâm y khoa EXSON - Ngọc Linh, dẫn chứng rất nhiều ví dụ về các bệnh viện trên thế giới đã áp dụng mô hình quản lý này. “Tốn kém rất nhiều tiền bạc và thời gian để đào tạo một bác sĩ giỏi. Vậy tại sao lại bắt một anh đang giỏi lĩnh vực này đi làm lĩnh vực khác?

Chúng ta vừa mất đi một giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ giỏi vừa có một người quản lý tồi, đồng thời cũng lãng phí nhiều tiền bạc và công sức. Hãy để giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ làm chuyên môn, phát huy năng lực của họ trong việc nghiên cứu, chữa bệnh... Chuyện quản lý có thể thuê một nhà quản lý giỏi với chi phí thấp hơn rất nhiều so với một giáo sư, tiến sĩ” - ông Sơn nhận định.

Gỡ vướng thế nào đây?

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, việc tiến hành phải có lộ trình, cần có thời gian để thay đổi cả về hệ thống, cơ chế, tư duy. “Các bệnh viện tư nhân họ áp dụng cách làm này từ lâu nhưng với bệnh viện công, chúng ta có nhiều vướng mắc.

Cơ chế bổ nhiệm hiện nay chưa cho phép thuê CEO. Vấn đề khác nữa là tâm lý từ xưa đến giờ không chỉ của các lãnh đạo bệnh viện, mà còn là của đội ngũ y bác sĩ là giám đốc phải là người giỏi chuyên môn, phải là giáo sư, tiến sĩ thì nói cấp dưới mới nghe.

Phải làm sao để thay đổi tư duy, tránh chuyện giám đốc là bác sĩ bình thường thì nói cấp dưới không nghe” - PGS.TS Nguyễn Hoài Nam nói thêm.

Trong khi đó, TS.BS Võ Xuân Sơn cho rằng quan niệm giám đốc bệnh viện phải là giáo sư, tiến sĩ và có chuyên môn thật giỏi mới điều hành được cấp dưới là quan niệm chỉ đúng với một hệ thống làm việc lạc hậu, làm vì nể nhau chứ không phải những ràng buộc về mặt quản lý, tiêu chuẩn chất lượng.

“Hệ thống làm việc ràng buộc bằng tình cảm không thể tồn tại trong xã hội hiện đại. Không thể phủ nhận uy tín cá nhân là rất quan trọng, nhưng đó không phải là yếu tố then chốt tạo nên sự vận hành tốt của một bệnh viện” - TS Sơn nói. Mọi quy định phải đồng hành với thực tế biến chuyển của cuộc sống. Cần có những điều chỉnh về mặt quy định pháp luật để phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của nền y tế, chứ không thể gọt chân cho vừa giày.■

“Tôi không bác bỏ thuê CEO điều hành bệnh viện. Với hàng loạt thách thức trong giai đoạn đổi mới này bắt buộc phải có CEO giỏi là cần thiết, vấn đề là ai làm CEO bệnh viện sẽ tốt nhất. Nếu tìm được một CEO tốt và có kiến thức về chuyên môn nữa là lý tưởng nhất.

Còn CEO không biết gì về y khoa sẽ khó cho việc điều hành. Chắc chắn cho bác sĩ đi học CEO dễ hơn là cho một CEO đi học bác sĩ. Ngoài ra, với đội ngũ giám đốc bệnh viện hiện nay của TP, tôi cho rằng không đến mức không trở thành CEO giỏi nếu họ được đào tạo về quản trị bệnh viện và được trả lương xứng đáng với vị trí CEO để không phải chỉ suốt ngày ở trong phòng mổ, ra thì ký hồ sơ”. TS.BS Tăng Chí Thượng

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận