Cao tốc Bắc - Nam về miền Tây đã được nối dài đến Cần Thơ vào những ngày cuối năm 2023. Khoảng cách từ TP.HCM về thủ phủ Tây Đô được rút ngắn chỉ còn hơn hai giờ, chấm dứt cảnh biển người mướt mồ hôi, chen nhau trên cung đường quốc lộ 1 chật chội lâu nay.
Đó là tin rất vui, nhưng niềm vui của hơn 20 triệu người dân miền Tây vẫn chưa trọn vẹn khi thông tin nhiều nhà thầu thi công tuyến cao tốc Cần Thơ nối dài đến đất mũi Cà Mau đang than khó vì thiếu cát, nguy cơ lỗi hẹn nếu tình hình không cải thiện ngay từ bây giờ.
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải), tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông từ TP Cần Thơ về Cà Mau với tổng chiều dài tuyến hơn 110km (trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 37,6km và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 73km), tổng mức đầu tư trên 27.500 tỉ đồng.
Dự án đã được khởi công từ tháng 1-2023, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2026. Ngay sau khi phát lệnh khởi công chính quyền các tỉnh dự án đi qua đã bàn giao 99% mặt bằng, các nhà thầu đã huy động hàng ngàn kỹ sư công nhân, hàng trăm phương tiện máy móc thiết bị đồng loạt triển khai thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa".
Tuy nhiên, hơn một năm triển khai do thiếu cát trầm trọng nên tuyến cao tốc này mới thi công đạt chừng 16,5%, nhiều đoạn mới chỉ đắp được hai bên bờ trữ cát, nhiều nơi vẫn còn là ao tôm, ruộng lúa loang lổ...
Các nhà thầu đã phải xoay trở đủ đường như thi công cầu trước, đường làm sau, nhưng nhiều tháng nay cầu trên toàn tuyến đã cơ bản xong chuyển sang làm đường mà máy móc vẫn nằm im chờ cát.
Không thể để công trình đình trệ, đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần vào công trường kiểm tra tháo gỡ, làm việc với chính quyền các tỉnh có mỏ cát và có quyết định ban hành cơ chế đặc thù cung cấp cát.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc, giao nhiệm vụ cho ba tỉnh có mỏ cát là An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long cung cấp cho dự án 18,46 triệu m3 cát (An Giang 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3 và Vĩnh Long 5 triệu m3) nhưng hiện nay cả ba địa phương mới bố trí được trên 5,7 triệu m3.
Lý giải việc cung cấp cát nhỏ giọt này, một số địa phương nại lý do dù được áp dụng cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đóng, mở mỏ cát nhưng thực tế vẫn phải thực hiện đủ các bước theo quy định như thời gian xử lý văn bản, hồ sơ phải thận trọng nên chậm và không thể làm khác hơn.
Tình hình căng thẳng đến mức một đại diện nhà thầu đã phải thốt lên "nếu tình trạng này kéo dài thêm thì chúng tôi tăng ca, tăng kíp làm cả ngày lẫn đêm cũng khó hoàn thành đúng tiến độ".
Thông điệp, mong muốn của người đứng đầu Chính phủ khi giao nhiệm vụ cho An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long rất lớn.
Vì vậy, để "nghe nói Cà Mau xa lắm" không còn xa, hơn lúc nào hết lãnh đạo các tỉnh phải xem dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là công trình quan trọng không chỉ cho Cà Mau mà các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều hưởng lợi, từ đó vào cuộc nhanh hơn, mạnh hơn để cung ứng cát sớm nhất có thể.
Xin đừng để cao tốc Cần Thơ - Cà Mau lại lỗi hẹn và đường về Cà Mau còn xa lắm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận