Nhiều doanh nghiệp đang rất cần giải pháp hỗ trợ. Trong ảnh: hoạt động tại một doanh nghiệp ở TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH
Doanh nghiệp đối diện tứ bề khó khăn, nếu không có các giải pháp cấp tốc và đặc biệt trong lúc nguy cấp thì một loạt doanh nghiệp Việt sẽ phải rời khỏi thị trường. Đó là tổn thất nặng cho nền kinh tế.
Không thể cào bằng
Nguồn lực của doanh nghiệp Việt hiện rất hạn chế sau hai năm chống dịch, ngay sau đó là đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và khó vay vốn.
Với các nước phát triển, họ có thể bơm tiền hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Nhưng Việt Nam nguồn lực hạn chế, áp lực kiềm chế lạm phát rất lớn. Vậy tại sao chúng ta không hướng vào chỗ có dư địa lớn hơn là các giải pháp về thủ tục, cơ chế và thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ nhất, trong các dự án của doanh nghiệp, có những dự án rất khó đáp ứng điều kiện huy động vốn của ngân hàng hay phát hành trái phiếu nhưng nhiều dự án đáp ứng được, chỉ vướng thủ tục.
Vì vậy, với việc nới hạn mức tín dụng, cần hướng sự hỗ trợ vào những doanh nghiệp đủ điều kiện để giúp những doanh nghiệp này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng và cả huy động được trái phiếu. Việc nới room không chỉ quy mô bao nhiêu phần trăm mà nhằm vào đâu mới quan trọng.
Phải ngay lập tức khôi phục thị trường trái phiếu, Nhà nước hỗ trợ về chính sách và kiểm soát về các tiêu chuẩn nhưng phải để doanh nghiệp phát hành được trái phiếu. Những doanh nghiệp đã đạt chuẩn thì phải tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn, có như vậy họ mới huy động được nguồn lực xã hội.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp không cần Nhà nước hỗ trợ tiền mà chỉ cần hỗ trợ về pháp lý để doanh nghiệp tự huy động được nguồn lực trên thị trường.
Thứ hai, thủ tục hành chính vẫn là vướng mắc lớn nhất với doanh nghiệp. Do tắc về pháp lý, thủ tục nên các dự án khó vận hành bình thường, thậm chí mất cơ hội. Có những cái trong tầm tay của chính quyền địa phương thì phải làm hết trách nhiệm, cái gì thuộc quyền Chính phủ thì Chính phủ quyết, nếu vướng thì có thể kết hợp xin ý kiến Quốc hội ngay trong kỳ họp bất thường tới đây. Trong tình huống đặc biệt thì phải có những giải pháp, cách tiếp cận đặc biệt chứ không thể vẫn theo quy trình bình thường.
Thứ ba, hiện nhiều nơi cán bộ sợ không dám làm, cơ quan sợ trách nhiệm nên ách tắc các dự án. Doanh nghiệp không thể đơn độc chống chọi lại những khó khăn của thị trường mà cần sự đồng hành của chính quyền. Bên cạnh chống tham nhũng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, tránh tình trạng đụng đâu cũng sợ sai.
Bảo vệ tài sản quốc gia
Những tập đoàn kinh tế lớn, tài sản doanh nhân, doanh nghiệp cũng là tài sản quốc gia. Bên cạnh chấn chỉnh các doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng, cũng cần có những biện pháp bảo vệ và khôi phục hoạt động doanh nghiệp.
Đằng sau doanh nghiệp là các nhà đầu tư, là việc làm, tăng trưởng, thu ngân sách... Ở một số nước có tiềm lực, nhà nước có thể mua lại doanh nghiệp khó khăn để khi vượt khó lại bán cho tư nhân.
Do đó, đối tác công - tư không phải chỉ thực hiện trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà còn cần trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, những ngành công nghiệp chiến lược, để tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển, tránh rơi vào tay những tập đoàn nước ngoài trong lúc khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận