Như trường hợp ông N.T.L. (TP.HCM) khi tra cứu mã số thuế bằng số căn cước công dân trên hệ thống điện tử đã tá hỏa khi phát hiện mình đang làm giám đốc, đại diện pháp luật một công ty có địa chỉ trụ sở ở phường 6 (quận Bình Thạnh).
Hay trường hợp anh Ngô X.H. trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bất ngờ phát hiện căn cước công dân của mình bị lấy để đứng đại diện một doanh nghiệp tại TP Thủ Đức, TP.HCM.
Những trường hợp trên đều cho biết mình bị người khác lấy thông tin cá nhân để thành lập doanh nghiệp mà không hề ủy quyền cho ai thành lập công ty.
Nhiều người đặt câu hỏi mục đích của việc này là gì, vì sao lại đi lấy thông tin của người khác để thành lập doanh nghiệp, đứng tên giám đốc mà không chính danh?
Có thể khẳng định đây là những công ty "ma" - được hiểu là những công ty chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có hoạt động kinh doanh - được lập ra nhằm mua bán trái phép hóa đơn VAT, gian lận thuế.
Trong vụ chạy án của tướng Đỗ Hữu Ca, hàng loạt công ty "ma" tại Quảng Ninh và Hải Phòng do Trương Xuân Đước thành lập đã biến mất một cách bí ẩn khi vụ án bị khởi tố là một trong những ví dụ điển hình về các công ty loại này.
Quy định thành lập doanh nghiệp hiện nay rất thông thoáng nhưng khâu hậu kiểm buông lỏng, đã giúp nhiều đối tượng có cơ hội thành lập công ty "ma".
Theo giám đốc một công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế, chi phí để thuê dịch vụ làm thủ tục thành lập một doanh nghiệp cũng khá rẻ, dao động chỉ từ 1,5 - 3,5 triệu đồng và cũng chỉ sau ba ngày là xong. Hiện thủ tục đăng ký hóa đơn cũng rất nhanh. Không chỉ thế, một người có thể mở được nhiều doanh nghiệp.
Có trường hợp còn thuê xe ôm, giúp việc, lái xe làm giám đốc để mua bán trái phép hóa đơn VAT. Không chỉ thành lập doanh nghiệp "ma", thời gian qua có tình trạng mua lại pháp nhân rồi biến pháp nhân này thành công ty "ma" để mua bán hóa đơn VAT.
Hệ quả của công ty "ma" không chỉ làm thất thoát ngân sách nhà nước mà còn gây ảnh hưởng xấu, tạo sự bất bình đẳng với doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Một ví dụ rõ nét nhất là tình trạng ách tắc hoàn thuế VAT suốt hơn 2 năm qua ở nhiều ngành nghề vì ngành thuế đưa hàng loạt doanh nghiệp từ diện "hoàn trước kiểm sau" sang "kiểm tra trước, hoàn thuế sau", yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng vì tình trạng doanh nghiệp "ma" đến mức báo động.
Đã đến lúc phải có giải pháp mạnh tay để ngăn chặn tình trạng chiếm dụng thông tin cá nhân để thành lập doanh nghiệp làm ăn phi pháp, trốn thuế. Không thể vin vào lý do "doanh nghiệp tự khai tự chịu trách nhiệm" vì hiện nay hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thiện và cho phép kết nối để khai thác thông tin.
Do vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần áp dụng công nghệ xác thực dấu vân tay khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp để xác thực như quy định giao dịch qua app ngân hàng tới đây.
Như vậy mới dần loại bỏ được tình trạng nhiều người bỗng dưng bị làm giám đốc bất đắc dĩ như đã từng xảy ra thời gian qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận