18/10/2024 14:27 GMT+7

Đừng để bạo lực, bi thảm ám ảnh tâm hồn

Về mặt xã hội, việc thu lợi từ nội dung thương tâm là kiểu kiếm tiền phản cảm, vi phạm pháp luật. Còn về mặt tâm lý, những hình ảnh ghê rợn, ám ảnh gây ảnh hưởng xấu, đe dọa sức khỏe tinh thần con người.

Đừng để bạo lực, bi thảm ám ảnh tâm hồn - Ảnh 1.

TikToker tiếp tục set góc máy, ngồi nói chuyện trước camera sau khi phát hiện một phần thi thể người tại quán karaoke ở Bình Dương. Sau đó, anh ta chạy về quê rồi mới gọi điện trình báo sự việc đến cơ quan chức năng

Trong bối cảnh phát triển bùng nổ mạng xã hội, các thông tin đúng - sai, hình ảnh và video thật - giả được phát tán nhanh chóng.

Ngay cả những người không phải "tín đồ mạng" khi nghe chuyện lạ, chuyện sốc, cũng tò mò tìm vào xem thử rồi lại tiếp tục lan truyền sự độc hại tới người khác...

Từ tò mò đến sợ hãi rồi ám ảnh

Chị Nguyễn Thanh Tuyền (32 tuổi, ngụ Bình Dương) cho biết: "Hội nhóm hóng biến thì một số tôi thấy cũng hữu ích, người ta chia sẻ thông tin từ nguồn báo chí chính thống.

Nhưng nhiều nhóm đăng toàn mấy tin tức bi thảm, người chết không hà, chưa kể mấy vụ án mạng kinh hoàng, rất nhiều người đi spam mấy cái video hiện trường toàn máu me, xác chết... Mấy lần tôi lỡ xem vài giây mà phát hoảng luôn".

"Bây giờ người ta sống vì view, vì follow", chị Tuyền kể thêm mới đây TikToker chuyên đi "săn ma" vô tình phát hiện thi thể không nguyên vẹn tại một quán karaoke bỏ hoang từng bị hỏa hoạn kinh hoàng khiến hàng chục người chết.

Nhiều TikToker, YouTuber cũng quay lại đây để làm video, nhưng điều đáng nói là khi phát hiện sự việc nghiêm trọng, anh ta lại có thể bình tĩnh set góc máy, quay phim để tiếp tục "sáng tạo nội dung". Được biết, vlog "chấn động" tầm 40 phút này vừa được đăng tải trên kênh của anh ta, thu hút nhiều bình luận trái chiều.

"Rồi trên mạng đang lan truyền hình ảnh được cho là bàn tay, hộp sọ và phần thân của thi thể nạn nhân, bạn cứ lên Facebook mà xem, "lội" bình luận sẽ thấy hình ảnh không che, thấy tội mà cũng sợ lắm!", chị Tuyền lắc đầu.

Trước đó phải kể đến nhiều hình ảnh và video hiện trường các vụ án mạng đau lòng cũng được dân mạng truyền tay nhau để thỏa tò mò.

Từ những vụ "điên tình" thảm sát người yêu, rồi phân xác, phi tang thi thể nạn nhân đến những vụ người chồng nhẫn tâm xuống tay với vợ mình bằng những nhát dao chí mạng, hay những tiếng thét cuối cùng của các nạn nhân tử vong vì mâu thuẫn, tranh chấp tài sản, đất đai... đều được đăng tải rõ mồn một chi tiết, không che mờ.

"Những thước phim đó rùng rợn và ám ảnh khiến tôi dần mất niềm tin vào tình cảm giữa người với người, mất niềm tin vào xã hội và tình yêu thương, đôi khi hoài nghi luôn những người bên cạnh mình", chị Lê Chi (ngụ Hoài Nhơn, Bình Định) thở dài.

Ngoài những tài khoản và hội nhóm mạng xã hội thường xuyên săn lùng và đăng tải các video giật gân để câu tương tác về cho "cộng đồng" của mình thì cũng không ít người dùng mạng xã hội "cộng sinh" vào đó để quảng cáo sản phẩm trên một số sàn thương mại điện tử bằng cách gắn link giả.

"Bình quân khi có biến gì đó trên Facebook, mấy người rải link quảng cáo lại mọc lên như như nấm sau mưa", Facebook Hiếu Quốc Lê bình luận.

Cũng trên cõi mạng, nhiều hội nhóm với tiêu chí kêu gọi từ thiện, kết nối các nhà hảo tâm để chung tay giúp đỡ những bệnh nhân chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo.

Dù không phủ nhận tinh thần nhân đạo và tương thân tương ái của các hoạt động thiện nguyện vì xã hội, tuy nhiên cũng không ít tài khoản sẵn sàng đăng tải những hình ảnh các bệnh nhân gầy thóp, xanh xao, yếu ớt, thậm chí sắp lìa đời nhằm câu view.

Chị Phạm Trinh (33 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ An Giang) bày tỏ: "Tôi xem mấy cái đó xong thấy xuống tinh thần, lo sợ cho mình rồi cho người thân, hình ảnh bệnh tật giai đoạn cuối và chết chóc thì ai mà không sợ, không buồn lo".

Tôi lướt Facebook mỗi sáng, một ngày của tôi nếu khởi đầu bằng những thông tin tích cực thì sẽ vui vẻ, ngược lại nếu sáng đó mà xem nhiều chuyện tiêu cực, chết chóc, bệnh tật thì tâm trạng tôi cũng bị ảnh hưởng.
Chị MINH PHƯƠNG (TP Biên Hòa, Đồng Nai)

Sức khỏe tinh thần đang bị đe dọa trầm trọng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm đào tạo ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt) cho biết về mặt xã hội, việc thu lợi từ đăng tải, phát tán những nội dung thương tâm (hình ảnh, video, bài viết) là hình thức kinh doanh phản cảm, không đúng đắn.

Còn về mặt tâm lý, những người dùng mạng xã hội cố tình "đánh" vào cảm xúc sợ hãi, thương cảm và sự yếu đuối trong tâm hồn con người.

"Ngày nay quá nhiều thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội nên muốn gây chú ý thì phải làm cái gì đó rất là sốc, rất là khác thường, đánh vào sự tò mò vì đây là bản năng tâm lý của con người.

Việc tiếp xúc với quá nhiều nội dung ám ảnh, sợ hãi và thương tâm thì lâu dần con người sẽ có nguy cơ bị bão hòa về các trạng thái cảm xúc tự nhiên, trở nên vô cảm trước những thông tin tương tự trên mạng xã hội (dù những thông tin này là sự thật), hoặc thậm chí sẽ rất nguy hiểm nếu niềm tin của con người chúng ta bị khủng hoảng hay lệch lạc", bà Tâm cho biết.

Theo chuyên gia tâm lý này, não bộ chính là nơi trực tiếp nuôi dưỡng đời sống tâm lý của một người, bao gồm suy nghĩ, cảm xúc và hành vi.

"Thức ăn" nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của con người chính là những hình ảnh và những thông tin được tiếp xúc hằng ngày, nên nếu được "ăn" những thức ăn "ô nhiễm" như vậy thì tinh thần chúng ta sẽ bị ngộ độc, bị tổn thương.

"Không chỉ riêng ở Việt Nam, người ta nói là chưa bao giờ thế giới sử dụng một lượng thuốc tâm thần nhiều như bây giờ.

Con người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là các em nhỏ có điều kiện tiếp xúc sớm với thiết bị điện tử và Internet cần được trang bị cho bản thân nhận thức và kỹ năng tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, cần có sự đối chiếu và xác minh kỹ lưỡng trước khi tiếp nhận thông tin, tránh bị dẫn dắt hay bị đầu độc bởi những thông tin giả, tin bẩn, độc hại", bà Tâm lo ngại.

Bà Tâm cũng khuyến cáo dù mạng xã hội là không gian ảo nhưng nó lại rất thật trong suy nghĩ và cảm xúc của con người.

Đừng để bạo lực, bi thảm ám ảnh tâm hồn - Ảnh 2.

Dùng những từ ngữ lạ lẫm, vô cảm để câu view, câu like trước tai nạn làm chết trẻ em

Lạm dụng nội dung đăng tải để câu view có thể vi phạm pháp luật

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Bùi Xuân Ninh (Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương) cho biết việc cố tình lạm dụng, sử dụng nội dung đăng tải để câu like, câu view, tăng tương tác và xây kênh trên mạng xã hội rất có khả năng vi phạm pháp luật.

"Lạm dụng" ở đây thường được thể hiện ở hai dạng hành vi: Một là, nội dung đăng tải hoàn toàn trung thực nhưng lại kèm theo những luận điệu xuyên tạc, định hướng dư luận để mọi người hiểu sai về nội dung sự việc.

Hai là, người đăng tải cố tình cắt ghép, chỉnh sửa nội dung hoặc dàn dựng, bịa đặt không đúng sự thật để tạo ra những thông tin giật gân, thổi phồng sự việc.

Nội dung chủ yếu về bệnh tật, tai nạn, thiên tai, chết chóc... Hai dạng này thường có mục tiêu nhắm vào sự tò mò, kích thích lòng thương cảm của người xem để trục lợi hoặc hướng đến mục đích thương mại, kiếm tiền.

"Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người đăng tin có thể bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng hoặc bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" (theo quy định tại điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.

Trường hợp lợi dụng video, hình ảnh thương cảm để trục lợi từ thiện còn có thể bị xử lý về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", mức hình phạt có thể lên đến 12, 20 năm hoặc tù chung thân", ông Ninh trích dẫn luật.

Cũng theo ông Ninh, những hành vi như trên không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức, thể hiện sự tàn nhẫn, vô cảm, vô lương tâm của người đăng tin.

Cơ quan chức năng cần phải quan tâm và mạnh tay xử lý nghiêm, như vậy mới đủ sức răn đe, phòng ngừa, giáo dục, từ đó mới có thể làm trong sạch môi trường mạng.

Đừng để bạo lực, bi thảm ám ảnh tâm hồn - Ảnh 3.Lạm dụng hình ảnh đau lòng để câu view: Gây sốc, sợ hãi và ám ảnh

Để câu view, câu like, xây kênh, nhiều người dùng mạng xã hội sẵn sàng săn lùng những tin tức giật gân, hình ảnh thương tâm, chết chóc thảm khốc để đăng kênh Facebook, TikTok của mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên