Theo dõi vụ việc, từ chuyện các nhân viên "nhận nhầm", đến cả cách ông đổ cho nhân viên "tráo hàng ăn chênh lệch", rồi đổ cho mình nhiều việc quá, quản lý không nổi, và ông chủ Khaisilk "cúi đầu xin lỗi" (không ai nhìn thấy).
Nhưng có lẽ, với nhiều người, hình ảnh doanh nhân chủ nhân Khaisilk là Hoàng Khải đang cúi đầu trốn tránh, không thanh minh, từ chối trả lời báo chí, đóng cả Facebook.
Thừa nhận mình sai, cúi đầu xin lỗi, cam kết bồi thường... đấy là cách xử lý khủng hoảng truyền thông phải làm, không còn cách nào khác.
Nhưng rồi sao nữa?
Thừa nhận 50% hàng lụa của Khaisilk có nguồn gốc từ Trung Quốc, có nghĩa là nửa còn lại có nguồn gốc Made in Vietnam.
Vậy nhưng khi phóng viên của Tuổi Trẻ Online lần tìm về làng lụa Vạn Phúc ở Hà Đông thì người ở đây nói rằng đã từ lâu, hơn 10 năm trước, lụa Vạn Phúc không còn mang lên Hàng Gai bán cho Khaisilk nữa.
Và những những làng lụa Việt Nam một thời danh tiếng từ Nam chí Bắc đang mai một khi những con tằm ở Quảng Nam không còn ăn tơ và con nhộng thành mồi nhậu, hay những khung dệt ở Lãnh Mỹ A, An Giang, đang một mai.
Vậy thì 50% lụa Made in Vietnam kia có đáng tin?
Một người Hà Nội 20 năm sống ở Paris yêu lụa, mỗi lần về Việt Nam là đến cửa hàng Khaisilk mua hàng, với niềm tự hào thương hiệu Việt, gửi đến Tuổi Trẻ Online những dòng tiếc nuối.
Mấy chục năm nay, mỗi lần về Việt Nam, cô đều đến Khaisilk mua những thước lụa Made in Vietnam đầy tự hào của một người con Hà Nội làm nên một thương hiệu nổi tiếng. Vậy mà lại gặp cảnh "treo đầu dê bán thịt chó", và cảm giác bị đánh lừa không hề dễ chịu.
Thông điệp của cô: Hãy đối xử tử tế với người tiêu dùng, vì chính họ là người đưa bạn lên đỉnh vinh quang ngày hôm nay. Và cũng chính người tiêu dùng sẽ quay lưng lại khi anh gian dối.
Điều đáng ngạc nhiên không ít doanh nhân vẫn cảm thấy một sự đồng cảm và "thương anh Khải" vì lầm lỡ không đáng có.
Dù khẳng định "không bênh" ông Hoàng Khải, nhưng những lời nói câu viết vẫn cho thấy một sự tiếc nuối chưa nguôi ngoai của một thương hiệu, một con người.
Người Nhật cúi đầu vì một văn hóa đã ăn sâu vào tận xương tủy của họ, và coi cách phục vụ của họ người tiêu dùng vui vẻ móc túi đưa tiền cho họ vì cảm thấy được đối xử tử tế.
Người tiêu dùng từ lâu đã chịu quá nhiều bất công với các cửa hàng bán xăng dầu, vì thế khi người Nhật đến, với cửa hàng đầu tiên, một niềm tin đã được thắp lại. Sự cúi đầu đó là một nét văn hóa và người ta vui vẻ trả tiền vì cảm thấy được đối xử tử tế thật lòng.
Người tiêu dùng, thuộc giới trung lưu, cũng đã từ lâu, tin tưởng vào thương hiệu Khaisilk với sự tự hào về lụa Việt Nam và sự tử tế mà người chủ đã dày công xây dựng nên.
Nhưng, như một cú sốc trước sự cúi đầu của người Nhật, người ta lại tá hỏa và thật sự sốc với sự gian dối kéo dài gần suốt ba thập kỷ của thương hiệu Khaisilk của một niềm tin hàng Việt.
Vậy mà, chẳng lẽ, đến giây phút này, người ta lại phải đề phòng cả niềm tin của sự tử tế? Và đấy mới chính là sự mất mát không thể bù đắp!
Vậy thì, mọi sự cúi đầu, dù đó là sự xin lỗi chân thành, hay là sự lầm lũi trốn tránh, cũng không phải là cách giải quyết.
Nếu niềm tin là nguồn cơn để người tiêu dùng quay lưng, thì niềm tin cũng chính là thứ mang người tiêu dùng trở lại.
"Đứng dậy làm lại được không, và làm thật đàng hoàng vào, ông Hoàng Khải"?
Khôi phục các làng lụa truyền thống, 100% Made in Vietnam, chẳng hạn, để chuộc lỗi bằng sự tử tế?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận