Ngọc Tú trong lần đi giao lưu cùng sinh viên một trường đại học quốc tế tại TP.HCM - Ảnh: NVCC
Nỗi ám ảnh tuổi 35
Ngọc Tú luôn được coi là hình mẫu "con nhà người ta" nhưng ít người biết thời thơ ấu của bạn lại vắng sự chăm sóc của mẹ.
"Tôi lớn lên với cha và em gái vì mẹ bị ốm và mất lúc tôi 6 tuổi", Ngọc Tú nhớ lại.
Và từ thời điểm đó đến tận lúc sang Mỹ du học vào năm 18 tuổi, Ngọc Tú không cho phép bản thân buồn phần vì sợ cha lo lắng, phần muốn là chỗ dựa cho người em gái. Bạn cũng tập thói quen sống chủ động, độc lập trong hầu hết mọi việc.
Nhưng có một nỗi sợ vô hình luôn dai dẳng, chập chờn trong tâm trí Tú xuyên suốt những năm đôi mươi.
"Tôi ám ảnh với con số 35, độ tuổi lúc mẹ tôi qua đời. Tôi từng nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ rất ngắn ngủi, cũng sẽ dừng ở đó. Sau này tìm hiểu thì tôi biết rằng nhiều bạn đồng cảnh ngộ cũng hay có nỗi ám ảnh tương tự", Ngọc Tú nhớ lại.
Nỗi sợ đó có mặt tốt là buộc Ngọc Tú phải gấp rút học tập và làm việc hết mình, nhưng mặt còn lại là bạn không tìm thấy niềm vui cũng vì mọi thứ quá gấp rút, chưa kể phải luôn sống trong rất nhiều mâu thuẫn nội tâm (chẳng hạn thích làm những thứ đổi mới sáng tạo nhưng lại luôn sợ nỗi đau ập đến nếu mọi thứ thất bại hoặc mất đi).
Năm 2009, Tú quyết định về nước dù có cơ hội ở lại làm việc tại Mỹ.
"Tôi làm việc gần như 24/7 từ năm 2009 đến 2013, thất bại với mô hình này thì lại bắt tay làm đồng sáng lập, gầy dựng mô hình giáo dục khác từ đầu", Tú chia sẻ.
Nhưng điều kỳ lạ là ngay cả khi mô hình giáo dục sau đó trở nên rất thành công, gọi được quỹ lên tới hàng chục triệu USD và biết rõ bản thân đang tạo ra giá trị thì sâu thẳm bên trong Tú vẫn không thấy vui. Ngược lại, giai đoạn này Tú tự nhận bản thân khóc rất nhiều...
Quyết tâm thay đổi
"Đến năm 2019 thì tôi chọn giải pháp nhìn trực diện vào nỗi đau, nhận thức rõ rồi tìm đến các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng phụ nữ có những người gặp vấn đề giống mình, tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý và thiền… để mở "cái hộp" chất chứa nỗi đau trước giờ. Hành trình đó kéo dài cả năm", Ngọc Tú chia sẻ.
Ngọc Tú (trái) trong một chuyến đi chơi cùng em gái - Ảnh: NVCC
Hai tuần đi thiền một mình trên Sa Pa, Ngọc Tú cho biết mình dành phần lớn thời gian để viết, thiền, đọc sách và trò chuyện với chính mình.
"Để thực hiện được chuyến đi đó, tôi phải sắp xếp công việc rất kỹ, trò chuyện trước với người thân và đồng nghiệp để không khiến họ bị sốc vì tôi cất máy tính, tắt điện thoại.
Thực ra, tôi nghĩ các sáng lập viên startup cũng cần xây dựng bộ máy và đào tạo nhân sự để hệ thống vẫn "chạy" tốt được ngay cả khi không có mình trong một giai đoạn nào đó. Tôi tin chắc vấn đề lớn mà sáng lập viên nào cũng sẽ gặp không chỉ ở bên ngoài mà còn đến từ bên trong", Ngọc Tú nói.
Và bạn cũng nhận ra đôi khi các cá nhân gặp những vấn đề về tâm lý chỉ cần sự lắng nghe chứ không phải luôn cần giải pháp, phản ứng về cảm xúc. Rồi bạn từ từ bước ra khỏi nỗi đau, chia sẻ được nhiều hơn, dần biến nó không chỉ thành nghị lực vươn lên mà còn là sự an yên trong cuộc sống hằng ngày.
Trải qua nhiều thăng trầm cảm xúc, mong ước của Ngọc Tú hiện tại là tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho nữ giới trong cuộc sống đời thường lẫn hành trình khởi nghiệp.
"Tôi may mắn luôn được các đồng nghiệp nam hỗ trợ nhiều trong các dự án trước giờ, nhưng tôi quan sát và thấy không nhiều bạn nữ gặp may mắn tương tự. Thậm chí có bạn nữ là người làm chính trong dự án startup nào đó thì vẫn luôn tự lùi lại phía sau trong những khoảnh khắc quan trọng vì nhiều lý do", Tú bộc bạch về việc nhận lời đi làm diễn giả và đồng sáng lập một quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ nữ giới khởi nghiệp.
Nữ sinh chuyên Pháp… đậu chuyên Anh!
Học chuyên Pháp suốt thời phổ thông, đến lớp 12, Ngọc Tú nộp đơn thi vào lớp chuyên Anh Trường Lê Hồng Phong (TP.HCM) và đậu luôn.
Tú thi đạt TOEFL 620/667 và sau đó trở thành nữ sinh viên đầu tiên tốt nghiệp trường công lập tại Việt Nam đậu vào Đại học Stanford với học bổng toàn phần ngành chính sách công.
Sau đó, Tú theo học chương trình học bổng MBA tại Trường Kinh doanh quốc tế INSEAD (Singapore). Ngọc Tú hiện là chủ tịch một hệ thống Anh ngữ lớn và đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận