12/03/2012 06:14 GMT+7

Đừng đẩy khó sang người tiêu dùng

TRONG NGHIA
TRONG NGHIA

TT - Hàng trăm ý kiến phản hồi bài viết “Đội mũ bảo hiểm “nhái” sẽ bị phạt” cho rằng chỉ có thể chấm dứt việc đội MBH không an toàn khi giải quyết gốc vấn đề là ngăn chặn sản xuất và buôn bán các loại MBH này.

K49GUVlI.jpgPhóng to
Theo dự thảo, loại mũ “nhái” mũ bảo hiểm sắp tới sẽ bị phạt - Ảnh: T.T.D.

Một kiểu nuôi “bệnh”

Việc đề ra xử phạt người đội MBH “nhái” - tức là hàng dỏm - giống như trị bệnh ở ngọn chứ không phải trị ở gốc. Nếu trị bệnh như vậy sẽ giống như “nuôi bệnh”, có nghĩa là các đơn vị chức năng cứ nhắm vào người dân để phạt mà không nhanh chóng dẹp ngay từ gốc việc sản xuất và buôn bán MBH “nhái” thì mũ “nhái” vẫn tồn tại hoài và người tiêu dùng sẽ bị phạt mãi... Khi ấy, nhà sản xuất chân chính thì điêu đứng vì hàng dỏm lấn lướt, người tiêu dùng thì sử dụng không an toàn mà còn bị phạt. Chủ trương này mục tiêu cuối cùng liệu có bảo vệ người tiêu dùng và có làm ổn định nền kinh tế thị trường nói chung và ngành sản xuất MBH chân chính nói riêng hay không?

Loại bỏ MBH “nhái” trước

Hành vi sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đã bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy theo vụ việc, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Với sản phẩm MBH, nó liên quan trực tiếp đến tính mạng con người trong các vụ tai nạn giao thông nên không thể buông lỏng việc quản lý chất lượng sản phẩm. Quy định pháp luật đã có đầy đủ, thậm chí chặt chẽ, vấn đề còn lại là thực hiện, chấp hành những quy định đó. Tôi thật sự không hiểu sao MBH “nhái”, dỏm bày bán công khai, tràn lan mà các cơ quan chức năng vẫn để như vậy, hay họ viện lý do “quá bận” để rồi người dân lãnh đủ? Một bộ phận người dân có nhận thức hạn chế, quan niệm đội MBH chỉ để đối phó một phần do ngành chức năng không xử lý thu hồi và tiêu hủy, để việc sản xuất và bán MBH thời trang đầy đường. Do vậy, phải tiến hành loại bỏ hết các loại MBH “nhái’, dỏm trước đã. Nếu sau đó ai tham gia giao thông mà vẫn còn đội mũ dỏm, lúc ấy mới nên phạt người đội thì vừa hợp tình vừa hợp lý hơn.

Phải kiểm soát từ gốc

Kiểm soát MBH phải từ gốc: nhập khẩu và sản xuất. Những sản phẩm kém chất lượng không bảo đảm an toàn cho người sử dụng, hàng nhập lậu hoặc sản xuất lậu phải bị tịch thu và tiêu hủy. Những MBH “nhái”, kém chất lượng đang bày bán tràn lan ngoài thị trường cũng phải bị tịch thu và tiêu hủy trước khi nó được bán cho người tiêu dùng. Đó mới là cách bảo vệ tốt nhất cho người tiêu dùng (người đội MBH).

Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm không thể thờ ơ, lảng tránh trách nhiệm của mình trước thực trạng hàng dỏm, hàng kém chất lượng đang bày bán tràn lan ngoài thị trường. Đừng hô hào người tiêu dùng phải trở thành “nhà tiêu dùng thông thái” để khỏa lấp sự vô trách nhiệm của nhà quản lý. Người tiêu dùng đã là nạn nhân của sự mua nhầm hàng dỏm kém chất lượng, lại bị xử phạt vì việc mua nhầm đó thì không thể hiểu nổi.

Rất khó xử phạt nhà sản xuất hàng “nhái”

Ông Lý Ngọc Thắng - đội trưởng đội 3A Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho rằng: “Hiện nay, việc bắt các đơn vị sản xuất hoặc kinh doanh các loại mũ thể thao, thời trang núp bóng MBH quá dễ nhưng xử phạt rất khó, bởi chưa có văn bản nào quy định tiêu chuẩn chất lượng cũng như hướng dẫn xử phạt với loại mũ này. Những đơn vị sản xuất các loại mũ thể thao dạng này chủ yếu là các điểm lắp ráp nhỏ lẻ ở các khu vực ngoại thành, vùng ven không đủ điều kiện để sản xuất MBH. Tuy nhiên khi kiểm tra, chúng tôi không thể phạt nặng hay tịch thu, tiêu hủy sản phẩm để răn đe”.

Theo ông Thắng, với các quy định hiện hành, khi cơ sở sản xuất núp dưới vỏ bọc sản xuất MBH loại thể thao, thời trang, cơ quan chức năng chỉ có thể phạt họ hành vi “không công bố chất lượng sản phẩm” mức tối đa 1,5 triệu đồng/lần. Mức phạt này rõ ràng không đủ sức răn đe nên việc xử phạt chỉ như bắt cóc bỏ đĩa.

NGUYỄN TƯỜNG MINH (tổng thư ký Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM - AFCA):

Cần phân biệt MBH dỏm và “nhái”

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử phạt người đội MBH dỏm, kém chất lượng. Có không ít ý kiến cho rằng việc này thể hiện cách làm việc thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý, nghĩa là không quản lý được thì cấm, xử phạt người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo tôi, mấu chốt vấn đề ở đây là chúng ta cần phân biệt rõ hiện nay có bao nhiêu loại MBH lưu hành trên thị trường. Thực tế, hiện có ba loại chính: MBH đạt quy chuẩn chất lượng; MBH dỏm, kém chất lượng và loại mũ có tên mũ thể thao, thời trang núp danh MBH. Như vậy, nếu người tiêu dùng sử dụng loại mũ thể thao, thời trang khi đi xe gắn máy rõ ràng là vi phạm (sử dụng sai mục đích). Vì loại mũ này không phải là MBH dành cho người đi môtô, xe gắn máy.

Bản thân người tiêu dùng không quá khó khi nhận biết được loại mũ này. Về đặc điểm nhận dạng, loại mũ không được cấu tạo như MBH (không có mút xốp theo quy định) cũng như không có các thông số kỹ thuật, tem CR (tem hợp quy). Như vậy, nếu người tiêu dùng tiếp tục dùng mũ có hình dáng MBH đồng nghĩa với việc xem nhẹ an toàn tính mạng bản thân cũng như tiếp tay cho bên cung cấp MBH không chất lượng.

Trong dự thảo thông tư không đề cập việc xử phạt người đi môtô, xe máy sử dụng MBH có cấu tạo ba phần nhưng bị tróc tem, thậm chí mũ dỏm đi chăng nữa. Vì nếu người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm có đủ các thành phần cấu tạo, tem hợp quy thì lỗi này không thuộc về người tiêu dùng mà thuộc về cơ quan quản lý.

Như vậy, để thị trường MBH đi vào nề nếp và đúng với mục tiêu ban đầu là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về cả hai phía: người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Người tiêu dùng có trách nhiệm với an toàn bản thân, sử dụng sản phẩm đúng mục đích. Cơ quan quản lý xây dựng luật chặt chẽ, tăng cường kiểm tra kiểm soát, thực hiện triệt để các hành vi sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH đúng theo quy định.

TRONG NGHIA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên