Liên tiếp những câu chuyện về quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng), phát triển du lịch tại đảo Cát Bà (Hải Phòng), phá rừng phòng hộ ở Phú Yên, và mới đây nhất là dự án lấn biển-chuyển đổi 150ha đất rừng ngập mặn làm công nghiệp ở Thái Bình, đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Thêm một lần nữa, vấn đề đánh giá tác động môi trường, chất lượng của các bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án lại được đặt ra.
Cuối năm 2016, trong một phiên họp của Quốc hội, từng có một nội dung thời sự nóng bỏng được chất vấn-đó là chất lượng của các bản báo cáo đánh giá tác động môi trường sau hàng loạt sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra.
Không khó để hiểu vì sao đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) trăn trở với câu hỏi, “đánh giá tác động môi trường kiểu gì, thực hiện thế nào mà chỉ sau thời gian hoạt động không lâu, các nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc như vậy?.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường Trần Hồng Hà khi đó nói rằng, quy định thực hiện đánh giá tác động môi trường là cơ sở rất quan trọng để cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, là bước quan trọng của quá trình hình thành dự án. Nhưng ông cũng thừa nhận, còn rất nhiều hạn chế từ khâu lập đến khâu thẩm định báo cáo, cũng chưa có quy định chặt chẽ về trách nhiệm với đơn vị vấn lập báo cáo.
Điểm lại những bản báo cáo đánh giá tác động môi trường “làm chơi ăn thật”, việc các nhà khoa học lật tẩy được một bản báo cáo thiếu trung thực, thiếu chính xác như của dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A lâu nay còn rất hiếm.
Khi mà các nhà khoa học đã lật tẩy bản báo cáo này rằng: “những người làm báo cáo tác động môi trường dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A chưa trực tiếp đến khảo sát vùng bị ảnh hưởng. Những đánh giá tác động môi trường của hai dự án này có quá nhiều sai sót, trái ngược với thực tế”.
Và nếu không có việc lật tẩy đó, hai dự án trên đã “nuốt” 137,5ha đất rừng đều nằm trong phân khu chức năng bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia Cát Tiên.
Chuyện “làm chơi ăn thật” trong lập báo cáo vốn tưởng đã lắng xuống, nhưng mới đây lại có thêm bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án lấn 320ha biển ở Thái Bình, trong đó có phá bỏ diện tích 150ha rừng ngập mặn, nhưng đơn vị lập báo cáo chỉ dựa vào số liệu có sẵn do chủ dự án cung cấp.
Vì thế, khi có sai lệch về số hộ nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, ông Đỗ Trần Chinh, giám đốc Trung tâm Quan trắc, Phân tích TN-MT (Sở TN-MT Thái Bình), đơn vị lập báo cáo của dự án, thừa nhận, “chúng tôi làm báo cáo trên cơ sở số liệu chủ dự án cung cấp. Chúng tôi có đi điều tra những việc đó đâu”.
Sẽ còn những bản báo cáo xem nhẹ đánh giá tác động môi trường như thế, nếu đơn vị được thuê lập báo cáo xem nhẹ trách nhiệm với xã hội, cộng đồng hay chỉ làm việc đơn thuần theo những hợp đồng về tính toán số liệu.
Ông Nguyễn Khắc Kinh, chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường VN khẳng định, nếu thiếu các số liệu khảo sát từ thực tế, số liệu đầu vào sai, hay thiếu trung thực thì kết quả dự báo của báo cáo đánh giá tác động môi trường chắc chắn cũng sai.
Đánh giá tác động môi trường chỉ thật sự quan trọng, có giá trị khi nó được thực hiện bởi những người nghiên cứu có trách nhiệm, có lương tâm với cộng đồng chịu tác động. Và nó phải được hội đồng thẩm định soi xét nghiêm khắc, phán xét công tâm về giá trị đánh đổi “được mất”.
Thậm chí, phải sẵn sàng “tuyên án tử” với những bản báo cáo làm cho đủ thủ tục mà không có giá trị thực tiễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận