Tàu hỏa xuất phát từ ga Sài Gòn chạy ngang đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hằng năm, ngân sách nhà nước rót hàng ngàn tỉ đồng để bảo trì, duy tu nhằm bảo đảm an toàn cho tuyến đường sắt quốc gia và trả lương cho công nhân đường sắt. Tuy nhiên, số tiền bảo trì đường sắt cho năm 2021 đến nay chưa thể giải ngân vì tái diễn chuyện "giao vốn cho ai?".
"Người lao động đang vận hành, khai thác tuyến đường sắt vẫn chưa có lương vì chưa được giao vốn bảo trì. Mong muốn của chúng tôi là vẫn giao dự toán cho tổng công ty như những năm trước.
Lãnh đạo VNR nêu ý kiến
Trong khi chờ cấp trên "hạ hồi phân giải", các doanh nghiệp đường sắt đã lâm vào cảnh khó khăn, có đơn vị đành phải vay tiền để trả lương cho công nhân.
Cục "bó tay", bộ kiến nghị
Từ năm 2020 trở về trước, khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (gọi tắt VNR) trực thuộc Bộ GTVT, khoản dự toán kinh phí duy tu bảo trì hằng năm nêu trên được giao cho VNR. Trên cơ sở đó, VNR ký hợp đồng bảo trì đường sắt với 20 doanh nghiệp quản lý, tín hiệu đường sắt (VNR nắm giữ trên 51% vốn điều lệ). Tại 20 doanh nghiệp có khoảng 11.000 người lao động, đảm nhận công tác an toàn chạy tàu như: gác chắn, tín hiệu, duy tu, tuần đường...
Tuy nhiên, kể từ khi VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không còn trực thuộc Bộ GTVT, thì đã có khúc mắc về việc giao vốn bảo trì hằng năm cho ai.
Theo Luật ngân sách nhà nước, cơ quan nhận được ngân sách phải giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, mà VNR lại không phải đơn vị trực thuộc của bộ. Trước đó, vào năm 2020, cũng do tranh luận việc giao vốn, lãnh đạo VNR từng cảnh báo "có nguy cơ dừng chạy tàu".
Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 15-3, Bộ GTVT cho biết đã có quyết định giao dự toán kinh phí hoạt động đường sắt từ ngân sách nhà nước 2021 cho Cục Đường sắt Việt Nam khoảng 2.800 tỉ đồng. Đồng thời, giao cục này khẩn trương ký hợp đồng đặt hàng với 20 công ty quản lý đường sắt, tín hiệu.
Theo đó, Cục Đường sắt đã dự thảo các hợp đồng đặt hàng và trải qua 5 cuộc họp với VNR, 4 cuộc họp với 20 công ty quản lý, tín hiệu đường sắt (do VNR nắm giữ trên 51% vốn điều lệ). Thế nhưng tại các buổi làm việc, 20 doanh nghiệp đường sắt nêu tình trạng VNR chưa cho phép người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ký hợp đồng với cục.
Trong khi đó, làm việc với cục, VNR nêu lý do chưa thương thảo để ký hợp đồng do còn vướng mắc về một số quy định.
Tuy nhiên, khi góp ý về giao dự toán bảo trì đường sắt 2021, Bộ Tư pháp cho rằng việc giao vốn bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam có thể phát sinh một số vấn đề, vì theo Luật đường sắt thì cơ quan quản lý đường sắt (tức VNR) sẽ thực hiện bảo trì đường sắt.
Còn theo nghị định số 46/2018: "Bộ GTVT giao dự toán ngân sách nhà nước cho cơ quan được giao quản lý tài sản, trong đó có phần kinh phí dành cho bảo trì đường sắt". Vì vậy phương án giao vốn cho VNR, theo Bộ Tư pháp, là phù hợp với quy định, đồng thời không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết vì làm chậm tiến độ, ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu.
"Nguyên nhân chưa ký được hợp đồng đặt hàng là do VNR không thực hiện các chỉ đạo, không phối hợp với cục để hoàn thiện dự thảo hợp đồng đặt hàng, chưa cho phép người đại diện phần vốn nhà nước tại 20 doanh nghiệp đặt hàng với cục, dù các vướng mắc đã được bộ giải thích và chỉ đạo bằng các văn bản.
Bộ GTVT nêu ý kiến
Trên chưa thông, dưới đi vay
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Hồng Anh - phó cục trưởng Cục Đường sắt VN - cho biết đến nay VNR và 20 doanh nghiệp vẫn chưa ký hợp đồng. Còn liên quan đến thông tin can thiệp không cho các đơn vị ký hợp đồng bảo trì với Cục Đường sắt, một lãnh đạo VNR khẳng định việc này là không đúng.
VNR giải thích việc ký hợp đồng là quyền của các công ty theo quy định của pháp luật, tổng công ty không thể ngăn cản được và không có văn bản nào chỉ đạo các công ty không ký hợp đồng.
Lãnh đạo VNR cho hay về việc giao dự toán, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để giao Bộ GTVT tiếp thu hoàn thiện đề án. Đồng thời giao Bộ Tư pháp thẩm định tính pháp lý các phương án: phương án 1: giao dự toán bảo trì cho VNR hoặc phương án 2: giao cho Cục Đường sắt. Về phương án 2, Cục Đường sắt đặt hàng theo 3 hình thức: đặt hàng cho tổng công ty, đặt hàng cho 20 đơn vị quản lý hạ tầng của tổng công ty hoặc hợp đồng ba bên.
Nhưng khi nghiên cứu, các phương án trên đều vướng mắc theo luật chuyên ngành. Còn lãnh đạo một doanh nghiệp thuộc VNR cho biết đến nay vẫn chưa rõ sẽ ký hợp đồng đặt hàng bảo trì với ai. Về góc độ doanh nghiệp, đơn vị nào ký hợp đồng cũng được.
"Vì chưa ký hợp đồng khiến doanh nghiệp vừa khổ vừa lo. Khổ vì thiếu tiền, phải đi vay ngân hàng để chi trả lương cơ bản cho công nhân viên, mua vật tư bảo trì đường sắt. Lo vì đã không có tiền mà vẫn phải đảm bảo an toàn", vị lãnh đạo công ty trên nói.
Theo một chuyên gia về đường sắt, thực ra vướng mắc lớn nhất 2 năm qua là ai cũng muốn được giao khoản kinh phí 2.800 tỉ đồng. Bộ muốn giao cho Cục Đường sắt để áp dụng cơ chế đặt hàng, còn VNR vẫn muốn được giao vốn trực tiếp theo cơ chế cũ.
"Về lâu dài, vốn bảo trì nên được giao cho cơ quan quản lý nhà nước áp dụng theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu với các doanh nghiệp. Việc này nhằm đảm bảo khách quan, thúc đẩy doanh nghiệp nỗ lực, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi nếu có", vị này nêu ý kiến.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao cho Cục Đường sắt
Theo Bộ GTVT, việc giao dự toán bảo trì đường sắt cho VNR chỉ được thực hiện khi Thủ tướng xem xét chuyển VNR từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trở về bộ quản lý. Bộ này kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư. Trong dự thảo đề án, bộ kiến nghị giao VNR quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến hết năm 2025.
Trong thời gian đề án chưa được phê duyệt, bộ kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương ký hợp đồng đặt hàng bảo trì năm 2021 với Cục Đường sắt để bảo đảm chất lượng công trình, an toàn đường sắt và chế độ cho người lao động.
Về việc này, ngày 24-3 Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT hoàn thiện đề án và trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Phó thủ tướng cũng lưu ý Bộ GTVT nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản 908/VPCP ngày 4-2 và khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận