Việc áp dụng cách tính thâm niên của cơ quan nhà nước có khi làm mất cơ hội của doanh nghiệp.
Gần đây công ty tôi có đăng ký để được cấp phép hành nghề thêm chức năng định giá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp muốn được cấp phép hành nghề dịch vụ này phải có thâm niên hoạt động đủ năm năm.
Với cách hiểu thông thường của doanh nghiệp, năm ở đây là năm tài chính - theo báo cáo tài chính (năm đầu tiên có thể không đủ 12 tháng), công ty tôi nghĩ rằng đã đủ điều kiện về thâm niên.
Tuy nhiên, mặc dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác, công ty tôi đã bị từ chối cấp phép với lý do thâm niên chỉ có... bốn năm rưỡi.
Cơ quan cấp phép giải thích một năm dứt khoát phải đủ 12 tháng. Chúng tôi có thắc mắc trong quy định không nêu rõ cách tính thời gian như thế nào, cán bộ phụ trách trả lời: “Trước giờ toàn xét vậy”.
Trước đó, khi tôi đăng ký tham dự kỳ thi thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính tổ chức để được cấp thẻ hành nghề thẩm định giá cũng vậy.
Quy định lúc đó chỉ yêu cầu thời gian công tác đối với người dự thi là phải đủ ba năm trở lên từ khi tốt nghiệp đại học (chuyên ngành phù hợp) mà không nêu rõ tính đến mốc thời gian nào: thời điểm đăng ký, thời điểm xét duyệt hồ sơ hay thời điểm thi.
Sau đó tôi đã bị gạt ra khỏi danh sách những người đủ điều kiện dự thi chỉ vì thâm niên còn thiếu... hai tuần nữa mới đủ ba năm, tính đến thời điểm xét duyệt hồ sơ - trước thời điểm thi một tháng.
Và cuối cùng, tôi phải chờ đợi thêm một năm nữa mới có thể tham gia kỳ thi này, vì mỗi năm chỉ được tổ chức một lần.
Trong cả hai câu chuyện đều cho thấy cách hiểu và vận dụng giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp về cách tính thâm niên có sự vênh nhau. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi nào thì điều kiện thâm niên này là cần thiết? Và cách vận dụng thế nào cho phù hợp, thỏa đáng?
Trên thực tế, năng lực của doanh nghiệp không hoàn toàn phụ thuộc vào thâm niên hoạt động. Vốn, công nghệ và nguồn nhân lực mới là các yếu tố quan trọng hơn trong thang đo năng lực của bất cứ doanh nghiệp nào.
Trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn (có điều kiện) như kiểm toán, định giá, chứng khoán... thì yếu tố con người càng đóng vai trò quyết định.
Và thực tế cũng đã minh chứng nhiều doanh nghiệp tuy có thâm niên hoạt động hạn chế, nhưng nhờ có đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm, quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng tốt, chất lượng dịch vụ của họ hơn hẳn các doanh nghiệp cùng ngành có thâm niên cao hơn.
Có không ít doanh nghiệp đủ điều kiện và được cấp phép hoạt động theo đúng quy định, nhưng bản thân họ không thể kham nổi các gói dịch vụ dạng này mà phần lớn phải đi hợp tác hoặc thuê lại doanh nghiệp khác có khả năng hơn.
Vẫn biết việc đánh giá đúng năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp hay cá nhân trong việc xét cấp phép hành nghề là vô cùng quan trọng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ hành nghề đồng thời hạn chế những rủi ro tiềm tàng cho xã hội.
Nhưng tiêu chí đánh giá quá chú trọng yếu tố thâm niên cũng như cách vận dụng ở hai câu chuyện trên là có phần bất cập.
Thiết nghĩ việc đưa ra công cụ sàng lọc nào đó nhằm giảm bớt áp lực không cần thiết cho cơ quan quản lý là rất quan trọng, nhưng cách chọn lọc công cụ đó ra sao mới là điều cần được quan tâm nhiều hơn.
Các tiêu chí đặt ra cần được đảm bảo trước hết là có tính khoa học và sát thực tiễn. Trong điều kiện các quy định chưa được đầy đủ thì cách vận dụng của cơ quan quản lý cũng cần lắm sự linh hoạt và đi vào thực chất hơn.
Thâm niên có tính tham khảo Cũng yêu cầu về thâm niên nhưng Trường Fulbright nơi tôi từng học có cách vận dụng linh hoạt và đúng bản chất hơn khi xét tuyển học viên (học viên được nhận học bổng toàn phần do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ). Mặc dù điều kiện đưa ra cho ứng viên là phải có kinh nghiệm thực tế năm năm, nhưng khóa tôi học nhiều bạn có thời gian công tác chỉ ba hay bốn năm, thậm chí ít hơn. Tôi tìm hiểu mới biết thực chất trường chọn ứng viên ở sự trải nghiệm thực tế, kiến thức xã hội và do vậy yếu tố thời gian ở đây chỉ có tính chất tham khảo chứ không hoàn toàn quyết định. Sự trải nghiệm của thí sinh được đo lường qua nội dung bài tiểu luận (tự viết) - một nội dung bắt buộc trong hồ sơ đăng ký dự thi - cũng như quá trình công tác và các vị trí công việc đã kinh qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận