Phóng to |
Một người đàn ông chăm chú xem triển lãm “Nước mắt cười” - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Còn người phụ nữ vì tự trọng hay vì sợ hãi, giấu bất hạnh của mình đằng sau cánh cửa. Không nhiều người biết nếu họ không tự dũng cảm kể về đời sống tủi cực của mình bằng những tấm ảnh và hiện vật. Triển lãm “Nước mắt cười” gom nhặt câu chuyện của những người phụ nữ đã và đang bị chồng bạo hành vừa ra mắt ngày 23-11 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Cơn ác mộng sau khung cửa sổ
Tưởng nằm im, không biết nói năng nhưng mỗi hiện vật lại kể một câu chuyện không thể tưởng tượng nổi về tình trạng bạo hành gia đình. Đó là chiếc xích chó mà chồng chị T. (thành viên CLB “Cùng chia sẻ” Hà Nội) mang đến góp cho triển lãm. Chị T. bị đánh nhiều đến mức chai lì, còn chồng chị coi đánh vợ như một trò tiêu khiển. Mỗi lần đánh xong, chồng xích chị trên gác hai vì sợ mọi người biết. Sau mỗi trận đòn của chồng, nhẹ thì tím chân, nặng phải nhờ hàng xóm, công an phá cửa đưa đi cấp cứu.
Phóng to |
Chiếc búa - hiện vật được chị T., thành viên câu lạc bộ “Cùng chia sẻ” tại thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội, cung cấp |
Ngoài những lần bị đánh đập “thừa sống thiếu chết”, còn có hàng trăm kiểu bạo hành không để lại dấu vết trên cơ thể người vợ. Bộ váy Mường được gửi đến từ một huyện miền núi Hòa Bình, bộ váy rất đẹp nhưng nham nhở do bị cắt xé. Có lẽ, chiếc váy cũng như sự tổn thương của chị được giữ rất kín và chờ ngày người khác giúp mình nói ra. Bảy năm sống với chồng, chị không đếm được đã có bao nhiêu trận đòn. Có hôm bị chồng cầm dao dồn đến đường cùng, chị phải ôm con nhảy từ nhà sàn xuống đất để thoát thân. Hôm đi làm về, chị thấy bao nhiêu quần áo bị anh băm nát. Chỉ vào đống quần áo, anh nói: “Hôm nay tao chặt quần áo của mày, rồi có ngày nếu mày không sống tử tế thì mày cũng như đống quần áo này”.
Phóng to |
“Xích chó” - hiện vật được chị T. cung cấp. Sau khi bị đánh “thừa sống thiếu chết”, chị bị chồng xích trên gác không cho ăn uống hai ngày |
“Tôi không biết phải làm gì ngoài việc im lặng. Tôi rối bời, khổ đau không chỉ vì những câu chửi, nhát phang của anh mà còn cả vì chuyện ấy nữa. Anh khiến tôi sợ hãi, tủi nhục vô cùng sau mỗi lần vợ chồng gần gũi. Anh vật lộn, bám riết để đạt được cảm giác cho riêng mình rồi mặc kệ vợ một bên đã gối đầm nước mắt. Có hôm mệt, tôi tỏ ý từ chối, anh thụp đấm không tiếc tay vào mọi chỗ, lao đến cưỡng dâm, tôi đau đớn rã rời. Chưa hả, anh dùng dùi gỗ chọc vào chỗ ấy, tôi giãy giụa, gào khóc, cố bò lê ra cửa kêu cứu. Chị hàng xóm lao sang, anh tỉnh bơ: “Tôi chơi cho vui!”. Tôi ớn lạnh, bàng hoàng. Đây là chồng tôi?” - một phụ nữ giấu tên kể lại cuộc đời của chị. Ốm mong có chồng chăm, con bưng cho bát cháo, nhưng cuộc sống bên hai người đàn ông mình yêu thương nhất từ lâu đã trở thành cơn ác mộng.
Phóng to |
Xoong nước - hiện vật được chị P., một nạn nhân bị bạo hành gia đình tại Đông Anh, Hà Nội, cung cấp. Chị P. đã bị chồng hất cả xoong nước nóng vào người khiến chị bị phỏng |
Phải sống
Có một điều kỳ lạ là những người phụ nữ vượt qua cuộc sống đằng đẵng hàng chục năm bị bạo hành vẫn luôn nỗ lực duy trì sự sống. Dù tỉnh dậy ở bệnh viện, trong góc tối, thì ý nghĩ đầu tiên lóe lên vẫn là: “Phải sống vì con”. Vì con, họ gượng dậy sống và làm lụng, chịu bị đánh đập tàn bạo. Và với người phụ nữ này, nỗi đau của chị gấp ngàn lần khi bị chồng đánh đập: “Phũ phàng thay, không biết từ lúc nào đứa con trai bé bỏng tôi chăm bẵm bấy lâu nay lại ngấm tính bố, nó quay sang quát và đánh mẹ chỉ vì mẹ nó phát hiện nó bán trộm rượu lấy tiền chơi điện tử. Cái đánh của con không mạnh bằng bố nhưng nó làm tôi đớn đau gấp vạn lần”.
Phóng to |
Chiếc vồ đập đất - hiện vật được một nạn nhân của bạo hành gia đình tại Ninh Bình cung cấp |
Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện như thế...
Sẽ thật bất ngờ khi xem những tên người, đọc địa chỉ và những dòng tâm sự. Nỗi bất hạnh của người vợ bị bạo hành ở đâu đó rất gần chúng ta, thậm chí nó ẩn sâu phía sau khung cửa sổ tưởng chừng như hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận