Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thí điểm dùng máy kiểm tra khuyết tật của cây tại công viên ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: Công ty CVCX cung cấp
Đô thị rất cần cây xanh để điều hòa không khí, giảm nhiệt, nhưng cũng "đau đầu" vì hiện tượng cây xanh ngã đổ, gây thương vong cho con người, nhất là trong mùa mưa bão. Vì thế tìm cách để cây xanh được sống và sống được tại đô thị trở thành mối quan tâm thật sự của các thành phố.
Tại TP.HCM, trước đây từng thử nghiệm dùng máy "siêu âm" cây xanh để "bắt bệnh" cho cây, nhưng chưa thể ứng dụng rộng rãi. Lần này, với công nghệ mới, hy vọng chiếc máy có thể giúp các "bác sĩ cây xanh" quản lý tốt hơn hệ thống cây xanh thành phố.
"Siêu âm" cây xanh ra sao?
Sau những vụ cây xanh ngã đổ gây tai nạn cho người và thiệt hại tài sản, cơ quan chức năng ghi nhận hầu hết cây xanh nhìn bề ngoài đều đang xanh tốt, không có dấu hiệu hư hại, nhưng dọn dẹp hiện trường mới thấy nhiều cây phần ruột bên trong đã ruỗng mục, một số cây hệ thống rễ đã bị xâm hại nhiều.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay thành phố có khoảng 235.000 cây xanh được trồng tại các công viên và khu vực công cộng. Ngoài những lợi ích thiết thực mà cây xanh mang lại, thực tế cho thấy việc cây xanh ngã đổ, đè trúng người gây thương tích vẫn liên tục xảy ra.
Vì thế cũng như con người, khi cần kiểm tra bên trong, cây xanh cũng được "siêu âm" bằng máy đo bước sóng, đo dòng nhựa luân chuyển từ gốc lên cành, lá.
Ông Nguyễn Công Sơn, trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, cho biết hằng năm, công ty triển khai duy tu, chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cây xanh. Đặc biệt trước mùa mưa bão, công ty tăng cường mé nhánh nặng tàn, lấy nhánh khô...
Ngoài ra, các nhân viên hằng ngày đều đi kiểm tra hệ thống cây xanh đường phố và trong công viên mà công ty đang thực hiện duy tu, chăm sóc để phát hiện các khiếm khuyết, hư hại như cây chết khô, cây nghiêng, mục, bọng... Việc phát hiện các khiếm khuyết cây xanh đô thị chủ yếu bằng kinh nghiệm, chuyên môn thực tiễn của công ty.
"Tuy nhiên, hiện nay các nước tiên tiến đã sử dụng các thiết bị, máy móc để theo dõi đánh giá các khiếm khuyết của cây xanh. Do đó công ty đã trang bị hệ thống máy có thể hỗ trợ "siêu âm" cây. Hệ thống máy này gồm: 1 máy kiểm tra khuyết tật cây xanh trên nguyên tắc đo điện trở cơ học, được vận hành bằng động cơ khoan, một kim dài, mỏng được đưa vào khúc gỗ hoặc cây xanh để hình dung các khuyết tật của gỗ...
Bên cạnh đó, 1 máy đo dòng chảy nhựa khác giúp phát hiện được mức độ luân chuyển các dòng chảy nhựa trong cây xanh ở đường phố, công viên và giữa các mùa khác nhau trong năm để có cơ sở đánh giá khả năng sinh trưởng phục vụ công tác chăm sóc cây xanh về sau", ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn nhận định thêm việc trang bị các thiết bị mới vào công tác quản lý cây xanh đô thị vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Kết quả phân tích đánh giá cần được kiểm tra một cách khoa học trên mẫu số đủ lớn. Đồng thời việc phê duyệt quy trình chăm sóc, đánh giá cây xanh đô thị bằng phương pháp mới cần được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền trước khi được ứng dụng rộng rãi trong thực tế.
"Ngoài ra việc đánh giá đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, hệ quy chiếu cơ bản, do đó hiện công ty cũng đang phối hợp các nhà khoa học chuyên ngành để thu thập cơ sở dữ liệu đối với các chủng loại như sao đen, dầu con rái, lim sét, sọ khỉ (loại 2, 3). Sau đó mới đưa ra một dữ liệu chuẩn tùy theo đặc điểm của các loài cây. Nhờ vậy khi triển khai thực tế sẽ có số liệu so sánh cây nào đạt, cây nào cần duy tu hay đốn hạ", ông Sơn phân tích thêm.
Số lượng cây xanh tại trung tâm TP.HCM có khoảng 100 loài, chủ yếu sao đen, dầu con rái, lim sét, sọ khỉ, bằng lăng, giáng hương... - Đồ họa: N.KH.
Thành phố đang thận trọng theo dõi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Xây dựng thành phố cho biết máy "siêu âm" cây mà Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đang áp dụng thí điểm tại các công viên là máy mà nhiều nước đang sử dụng. Do đó đơn vị đang thí điểm khi có dữ liệu sẽ báo cáo thành phố về hiệu quả.
"Có kết quả cho thấy hiệu quả của máy mới áp dụng rộng rãi được. Khi đó, có thể sẽ kêu gọi các đơn vị chăm sóc cây xanh đầu tư mua máy. Trường hợp ngược lại thì sẽ lãng phí, do đó việc này phải thận trọng", vị này chia sẻ.
Trước đó trong cuộc họp vào ngày 2-6, phía Sở Xây dựng cũng cho biết đã có những phương án cụ thể ứng phó với việc cây xanh ngã đổ. Sở đã giao Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị chủ trì phối hợp với các đơn vị chăm sóc, duy tu bảo dưỡng cây tổ chức xử lý ngay sự cố. Bên cạnh đó, phối hợp với các công ty tiện ích khác như Tổng công ty Điện lực, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để đảm bảo thông suốt các tiện ích khác nếu có ảnh hưởng xảy ra.
Về nhiệm vụ lâu dài, trong đề án phát triển cây xanh giai đoạn 2020 - 2030 của thành phố đã được Thành ủy và UBND TP.HCM thông qua, thành phố sẽ phối hợp với các quận huyện, các trường, các tổ chức quốc tế để nghiên cứu các chủng loại cây phù hợp với yếu tố thiên nhiên, khí hậu của thành phố. Việc này giúp giảm thiểu việc trồng những cây không phù hợp trong đô thị.
Đánh giá về việc sử dụng máy "siêu âm" cây xanh, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Thi, khoa sinh học và công nghệ sinh học Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng liệu pháp sử dụng các loại máy "siêu âm" đo được dòng nhựa, chất dinh dưỡng từ rễ lên trên cây cũng là phương án đáng lưu ý.
Bà Thi nhận định nếu có được công cụ góp phần vào việc đánh giá sức khỏe chính xác hơn thì càng tốt. Tuy nhiên, cần có thời gian và nghiên cứu áp dụng cụ thể việc sử dụng máy đó cho từng loại cây để đánh giá mức độ hiệu quả.
Không trồng 28 loài cây trên đường phố
UBND TP.HCM đã có quyết định kèm danh mục cây cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn thành phố vì có thể gây hư hỏng đường phố, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của người dân với 28 loài. Điển hình có một số cây như bã đậu (mủ và hạt độc), bàng (dễ bị sâu, gây ngứa khi đụng phải), bồ kết (thân có nhiều gai to), cao su (cành nhánh giòn, dễ gãy), cô ca cảnh (lá có chất cocaine gây nghiện), mã tiền (hạt có chất strychnine gây độc), thông thiên (hạt, lá, hoa, vỏ cây đều chứa chất độc), trúc đào (thân và lá có chất độc), me keo, xiro (thân và cành, nhánh có nhiều gai)...
Tai họa bất ngờ vì cây xanh
Trong đó vụ việc cây bàng ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bật gốc vào cuối tháng 5-2020 khiến 1 học sinh tử vong, 12 em khác bị thương hay vụ cây xanh bật gốc trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) đè chết người vào tháng 9-2020 đã để lại biết bao thương tâm và đánh động dư luận.
Thực tế ghi nhận tại một số tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Pasteur (quận 1); Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3); Ba Tháng Hai (quận 10); Hồng Đức, Khổng Tử (thành phố Thủ Đức)... trồng vô số cây cổ thụ lớn, chủ yếu là me tây, lim xẹt, sọ khỉ... là những loại cây dễ gãy nhánh khi mưa gió lớn. Nhiều cây có nhánh xum xuê, phần rễ trồi lên mặt đất cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
>> Đọc tiếp: Cây xanh ngộp thở với đô thị hóa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận