Khách đặt xe Grab car trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo văn bản góp ý nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô dưới 9 chỗ (nghị định 86 mới) do Bộ Giao thông Vận tải dự thảo, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cho rằng cần xem xét lại những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Uber, GoViet... là một chủ thể riêng biệt, ngoài những chủ thể được quy định như hiện nay. Tuy nhiên, đã có ngay những ý kiến trái chiều.
Bộ Thông tin - Truyền thông: nên dùng công nghệ giám sát
Văn bản do Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ký cho rằng để quản lý nhà nước đối với những hoạt động kinh doanh sử dụng công nghệ, cơ quan quản lý cần sử dụng chính công nghệ quản lý và giám sát.
"Thay vì yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử cho "Bảng đèn hiệu" hoặc biển số khác màu, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể yêu cầu đơn vị cung cấp nền tảng đảm bảo khả năng truy cập vào dữ liệu những xe vận tải đang tham gia trong mô hình.
Một trường hợp khác, cơ quan quản lý có thể yêu cầu đơn vị tham gia nền tảng chỉ đề xuất lộ trình cho xe hợp đồng đúng quy định về tuyến đường và thời gian vận chuyển... Tất cả lộ trình phải được lưu lại để truy xuất trong trường hợp thanh tra, kiểm tra. Đây là một hình thức dùng công nghệ để hậu kiểm thay vì tiền kiểm" - văn bản nêu.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi thông thường thay vì giảm khả năng cạnh tranh của những mô hình taxi công nghệ. Việc yêu cầu gắn biển điện tử với xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ làm giảm sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị này, đưa thị trường kinh doanh taxi trở lại thời điểm trước khi xuất hiện loại hình kinh doanh sử dụng công nghệ.
Thay vào đó, cơ quan quản lý có thể tăng tính cạnh tranh cho các đơn vị kinh doanh taxi thông thường bằng các quy định mới phù hợp.
Ví dụ nếu hành khách đặt taxi thông thường qua phần mềm của hãng, khi mà các điều kiện minh bạch về lộ trình và giá cước được đảm bảo, thì cũng cho phép hãng taxi và khách hàng có thể thỏa thuận giá cho phù hợp, thay vì sử dụng giá niêm yết.
Cho rằng dự thảo nghị định vẫn còn nhiều điểm bất cập, Grab cũng có nhiều đề xuất đến Bộ Giao thông Vận tải, trong đó cần xóa bỏ những quy định gây tốn kém, tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Mới đây nhất, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber... để có quy định quản lý cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.
Taxi công nghệ và taxi thông thường đón trả khách tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: DUYÊN PHAN
Không nên bắt đeo mào
Trao đổi với một số cơ quan báo chí ngày 8-5 trước diễn đàn quốc gia về phát triển công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận câu chuyện Grab và taxi thông thường, thanh toán ví điện tử là câu chuyện về nhận thức, môi trường phát triển...
Từ chuyện thí điểm Grab, ông Hùng cho rằng gần đây chúng ta nói đến một trường phái lớn hơn là Sandbox (Regulatory sandbox là thuật ngữ có nghĩa là "khung điều chỉnh thử nghiệm" - PV). Những cái gì mới chưa biết quản như thế nào thì cho thí điểm trong một không gian, thời gian nhất định xem ra sao rồi sau đó mới đi đến chuyện quản như thế nào, quản hay không quản, cho hay không cho.
Chính phủ hiện đã sẵn sàng cho thử những cái mới như fintech (tài chính công nghệ), taxi công nghệ và tiến tới sandbox, tiến tới trên diện rộng, nhiều lĩnh vực...
Đến nay chưa có tuyên bố cuối cùng về Grab nhưng nếu một công nghệ mới ra đời mà vẫn quản như cách cũ, theo ông Hùng, xã hội không phát triển. Công nghệ mới ra đời thì bao giờ cũng theo xu hướng nới lỏng quản lý, bởi vậy nó làm xã hội phát triển.
"Một cái mới ra cứ ép vào khung cũ thì không ép được. Tư duy đó hiện nay vẫn tồn tại ở một số nơi. Vì thế chúng ta phải thay đổi một số thứ, gần đây nhận thức của các bên cũng mềm hơn..." - ông Hùng nói và chia sẻ Bộ Thông tin - Truyền thông có văn bản chính thức trả lời Chính phủ về câu chuyện Grab, triết lý cũng như trên.
"Bắt đeo mào cũng không nên" - ông Hùng chia sẻ quan điểm nhưng cho hay kinh nghiệm quốc tế thì 10 nước không giống nhau hoàn toàn, thậm chí ở Mỹ có bang chấp nhận Grab, có bang không.
Dữ liệu: TUẦN PHÙNG - Đồ họa: V.CƯỜNG
Bộ Giao thông Vận tải: phải gắn hộp đèn "xe hợp đồng"
Trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều tối 17-5, lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải - đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo nghị định thay thế nghị định 86 - cho biết Bộ Giao thông vận tải chưa nhận được văn bản góp ý của Bộ Thông tin - Truyền thông về dự thảo nghị định. Bộ Giao thông Vận tải sẽ có ý kiến chính thức, báo cáo Thủ tướng về việc nghiên cứu, tiếp thu trong soạn thảo nghị định khi nhận được văn bản trên.
Gần đây nhất, ngày 12-4-2019, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng dự thảo lần 8 sửa đổi nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô. Dự thảo này quy định xe sử dụng phần mềm như Grab, Uber và tương tự có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ "xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12cm x 30cm.
Bên cạnh đó phải có phù hiệu "xe hợp đồng" dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết các thông tin khác trên xe theo quy định.
Lý giải với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết việc quy định xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn "xe hợp đồng" nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi; làm rõ nhận diện các xe kinh doanh loại hình này.
Tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến khó khăn cho lực lượng tuần tra, kiểm soát và tổ chức giao thông đô thị (đường có biển cấm xe hợp đồng điện tử nhưng do không có nhận diện nên xe hợp đồng điện tử vẫn đi vào dẫn đến ùn tắc giao thông) và không công bằng trong hoạt động vận tải.
Hiệp hội: sớm ban hành nghị định
Ngày 17-5, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế nghị định 86.
Thay mặt hội viên, ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch VATA - cho rằng dự thảo lần 8 của nghị định được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các bộ, ngành và VATA đồng ý với nội dung dự thảo.
Với ý kiến đề nghị "bỏ quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ phải gắn hộp đèn nóc" hoặc quan điểm "đeo mào cho Grab là tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu", VATA bày tỏ không đồng tình. Bởi vì qua báo cáo kết quả thí điểm xe hợp đồng điện tử của các địa phương đều kiến nghị loại hình xe như Grab là taxi.
Nếu coi loại hình như Grab là đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối, Grab không được quyết định giá cước vận tải. "Việc lắp hộp đèn nóc chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (đối tác có xe sử dụng ứng dụng của Grab - PV) chứ không áp dụng đối với Grab như một số ý kiến đã nêu" - ông Quyền cho biết.
8 lần dự thảo chưa xong
Khách hàng sử dụng ứng dụng đón xe trên điện thoại - Ảnh: QUANG ĐINH
Kể từ năm 2016 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng 8 lần dự thảo nghị định thay thế nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Đáng chú ý, trong quá trình soạn thảo dự thảo lần 6 của nghị định, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ với nội dung quản lý xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi theo 2 phương án: phương án 1 là quản lý như xe hợp đồng (phải có bảng điện tử có chữ "xe hợp đồng" lắp cố định tại vị trí trên mặt táp lô phía trước bên phải người lái xe, kích thước tối thiểu 15cm x 20cm và phải được bật sáng khi xe tham gia giao thông); phương án 2 là quản lý như xe taxi.
Kết quả, 15 trong 26 thành viên Chính phủ chọn phương án 1; có 8 trong 26 thành viên Chính phủ chọn phương án 2; có 3 trong số 26 thành viên Chính phủ không chọn phương án nào và đề nghị đưa ra quy định riêng cho loại hình mới (không phải là taxi, cũng không phải là xe hợp đồng; nhóm ý kiến này là bộ trưởng các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin Truyền thông, Khoa học và Công nghệ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận