Thực tế cho thấy vai trò của các trợ lý ngôn ngữ rất quan trọng, đặc biệt là dưới thời HLV Park Hang Seo.
Từ chuyện của ông Han Young Kuk
5 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang Seo đã thay đến 6 trợ lý ngôn ngữ. Ba sự thay đổi trợ lý phiên dịch từ Hàn sang Anh (cùng người Hàn Quốc) đều do tính chất công việc - gắn với từng giải đấu. Ba sự thay đổi còn lại của trợ lý phiên dịch từ Hàn sang Việt cũng đến từ nhiều lý do. Trong đó có việc không thể chuyển ngữ tốt như trường hợp của ông Han Young Kuk.
Đến Việt Nam vào tháng 10-2017, ông Park đã gọi đồng hương Han Young Kuk lên giúp đỡ trong vai trò phiên dịch Hàn - Việt. Do cựu tuyển thủ Hàn Quốc này đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong gần 15 năm, nên được ông Park kỳ vọng rất nhiều. Nhưng chỉ sau giải giao hữu M150 tại Thái Lan, ông Han đã phải nói lời chia tay khi không thể dịch và truyền đạt hết được ý của ông Park trong các buổi họp và sinh hoạt tập thể cùng U23 Việt Nam.
"Tôi chỉ học bằng HLV chứ chuyên môn không phải là dịch thuật. Ông Park yêu cầu tôi phải chuyển ngữ sao cho thật gần gũi, dễ hiểu với cầu thủ Việt. Dù rất cố gắng, tôi cũng để xảy ra một số vấn đề và không thể ở lại. Công việc này quá áp lực khiến tôi không thoải mái nên gặp vài sai sót", ông Han chia sẻ sau khi chia tay tuyển U23 Việt Nam.
Vai trò quan trọng của trợ lý ngôn ngữ
Sau ông Han Young Kuk, ông Park đã gắn bó với 3 trợ lý ngôn ngữ người Việt là Lê Huy Khoa, Phan Duy Tuấn và Vũ Anh Thắng. Trong số này, ông Lê Huy Khoa gắn bó lâu nhất, được ông Park tin tưởng vì khả năng truyền tải tốt thông điệp của mình đến với các cầu thủ. Chỉ gắn bó với ông Park từ cuối năm 2019, nhưng trợ lý Vũ Anh Thắng cũng được đánh giá cao.
Thành công của ông Lê Huy Khoa hay Vũ Anh Thắng không chỉ đến từ chuyên môn (dịch tốt) mà còn rất đam mê bóng đá. Đây là điều rất quan trọng bởi nếu không am hiểu bóng đá, trợ lý ngôn ngữ sẽ mắc sai lầm khi giúp HLV truyền đạt ý kiến đến cầu thủ. Dịch không đúng chuyên môn bóng đá sẽ khiến cầu thủ không hiểu phải làm gì. Chưa kể, nếu không tự tin, trợ lý ngôn ngữ sẽ không thể truyền đạt hết cảm xúc vui mừng, giận dữ mà HLV muốn nói với các cầu thủ sau một hiệp đấu hay trận đấu.
Theo lời những người trong cuộc, mọi thứ trong bóng đá diễn ra rất nhanh, đôi khi người phiên dịch không có thời gian để hỏi lại hay suy nghĩ. Do đó, trong trận đấu, người phiên dịch luôn phải theo dõi các cầu thủ thi đấu; đồng thời lắng nghe nhận định của HLV và các trợ lý để truyền tải được yêu cầu của HLV nhanh và đầy đủ nhất đến cầu thủ.
Kinh nghiệm quý báu
Theo chia sẻ của tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi, HLV Kim Sang Sik sẽ có đội ngũ trợ lý khoảng 12 người (3 Hàn Quốc). Gần như các trợ lý đều mới, ngay cả với vị trí phiên dịch. Cụ thể, VFF dự định chỉ thuê phiên dịch tiếng Hàn cho tân HLV Kim Sang Sik thay vì tận dụng một trong hai trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa và Vũ Anh Thắng từng làm rất tốt dưới thời HLV Park Hang Seo.
Đây là điều cần xem lại do cả 2 cựu trợ lý ngôn ngữ này rất am hiểu văn hóa Hàn Quốc, có kinh nghiệm làm việc với HLV người Hàn. Họ sẽ là chỗ dựa quan trọng với một người mới như HLV Kim Sang Sik trong việc truyền tải nhanh nhất quan điểm, lối chơi của mình tới các học trò mới.
Chuẩn bị cho 2 trận cuối cùng vòng loại thứ 2 World Cup 2026 với Philippines (ngày 6-6) và Iraq (11-6), HLV Kim Sang Sik chỉ có khoảng 5 ngày làm quen và huấn luyện cho các học trò mới sau khi vòng 22 V-League 2023-2024 kết thúc vào ngày 31-5. Nếu không có phiên dịch kinh nghiệm mọi thứ sẽ không hề dễ dàng với HLV Kim Sang Sik.
Dưới thời HLV Troussier, trợ lý ngôn ngữ Hoàng Bách tỏ ra am hiểu nhà cầm quân người Pháp do từng làm việc cùng nhau ở Trung tâm bóng đá PVF. Nhưng Hoàng Bách cũng bị dư luận chê là phiên dịch thiếu lửa để kích thích tinh thần chiến đấu của cầu thủ. Đó cũng là điều để VFF đánh giá vai trò quan trọng của trợ lý ngôn ngữ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận