Các bác sĩ Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế phẫu thuật thoát vị bẹn cho một bệnh nhân - Ảnh: N.H. |
Điều này làm cho quá trình điều trị gặp khó khăn, kết quả sau mổ không mỹ mãn, thậm chí gặp nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Đến muộn, tái phát cao
Phẫu thuật sớm, giảm biến chứng Theo các bác sĩ, thoát vị bẹn ở trẻ em là loại bệnh lý bẩm sinh, khá phổ biến. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi với tỉ lệ 1-3% và tỉ lệ 3-4,8% ở trẻ sinh non. Việc chẩn đoán và điều trị phẫu thuật sớm sẽ giảm thiểu tối đa các biến chứng thường gặp. PGS Liễu cho biết ở trẻ em chủ yếu có hai phương pháp điều trị phẫu thuật thoát vị bẹn, gồm: cột, cắt cao cổ túi thoát vị đơn thuần và cột, cắt cao cổ túi thoát vị kèm với khâu hẹp lỗ bẹn sâu. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ chọn phương pháp phù hợp để giảm tỉ lệ tái phát, tai biến và các biến chứng khác. Bác sĩ khuyên các bậc phụ huynh khi phát hiện các biểu hiện bất thường ở vùng bẹn của trẻ cần phải đưa đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị sớm. |
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Liễu - trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế, từ năm 2013 đến nay bệnh viện này đã phẫu thuật thoát vị bẹn hơn 200 ca, gần một nửa số bệnh nhân mắc bệnh từ 1-5 năm.
Trong đó có 43% trẻ em mắc bệnh, hơn 74% bệnh nhân ở nông thôn, miền núi và chỉ có bốn trường hợp nữ giới mắc bệnh.
Ông T.V.B. (70 tuổi, trú tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết cách đây ba năm ông đi khám tổng quát và tình cờ phát hiện mình bị thoát vị bẹn hai bên với các biểu hiện khối thoát vị phồng to, đi lại khó khăn và nặng ở vùng bẹn.
Theo ông B., các triệu chứng này đã xuất hiện từ 20 năm trước nhưng ông không nghĩ đó là bệnh bởi vùng bẹn tự xẹp xuống khi nằm hoặc lấy tay đẩy lên. Ông B. được một bệnh viện tư tại TP Huế phẫu thuật và trở về lao động bình thường.
Vài tháng sau, ông B. lại thấy vùng bẹn gia tăng kích thước khi ho hoặc lao động nặng nên đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) mổ lần hai.
Đến đầu năm 2014, bệnh tái phát cả hai bên với các biểu hiện tương tự trước đó và đau nhiều ở vùng bẹn. Ông B. được Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế phẫu thuật bằng phương pháp đặt tấm lưới nhân tạo có nút cả hai bên, sau hai tuần điều trị bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Còn trường hợp ông C.N.D. (55 tuổi, trú tại TP Huế) phát hiện bệnh thoát vị bẹn quá muộn dù có biểu hiện bệnh từ nhỏ. Ông D. được các bác sĩ khám và tư vấn nên mổ nhưng vì tâm lý sợ mổ nên ông đã dùng băng treo tự chế để mang!
Theo các bác sĩ, việc làm này không những không mang lại kết quả mà còn khiến vùng bẹn cả hai bên của ông D. bị teo các cơ, biến dạng và lỗ thoát vị rất lớn. Bệnh nhân này đã được Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế mổ tái tạo thành bụng thành công nhưng gặp nhiều khó khăn trong quá trình chữa trị.
PGS.TS Nguyễn Văn Liễu cho biết hai bệnh nhân trên đến khám và điều trị thoát vị bẹn quá muộn dẫn đến tỉ lệ tái phát cao và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt.
Theo PGS Liễu, thoát vị bẹn là khối phồng lên ở vùng bẹn, thường diễn ra từ từ, cảm giác đau, nặng và khó chịu ở vùng bẹn là dấu hiệu sớm nhất của bệnh. Dấu hiệu này ngày càng rõ, kèm theo việc xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn khi áp lực ổ bụng tăng như làm việc nặng, ho, rặn...
Càng về sau khối thoát vị càng lớn và xuất hiện thường xuyên khi đứng, có thể biến mất khi nằm hoặc bệnh nhân tự đẩy khối thoát vị lên.
Nhiều phương pháp điều trị
PGS.TS Nguyễn Văn Liễu cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoát vị bẹn, trong đó có nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải. Bệnh này thường xảy ra ở người làm các công việc nặng nhọc hoặc quá sức; các bệnh lý trong ổ bụng đưa đến thoát vị bẹn, mắc bệnh sau các phẫu thuật cắt ruột thừa, gãy xương chậu...
Thoát vị bẹn được chia làm ba loại: thoát vị bẹn trực tiếp, gián tiếp và phối hợp. Tùy theo cơ sở điều trị, tình trạng bệnh nhân cũng như lứa tuổi mà các bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị tối ưu.
Hiện nay có ba phương pháp điều trị phổ biến là tái tạo thành bụng bằng mô tự thân, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật mổ đặt tấm lưới nhân tạo và mổ nội soi ổ bụng đặt tấm lưới nhân tạo.
Đối với các bệnh nhân điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đặt tấm lưới nhân tạo có nút thì thời gian điều trị rút ngắn 3-4 ngày, bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường sau ba tuần. Với phương pháp này, tỉ lệ tái phát, tai biến, biến chứng trong và sau mổ chưa tới 1% và bệnh nhân ít đau sau mổ.
Bệnh nhân thoát vị bẹn có thể xảy ra các biến chứng nghẽn, nghẹt, tắc ruột, hoại tử ruột... dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Nếu điều trị sớm, các biến chứng tái phát, teo tinh hoàn, sa tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, rối loạn cảm giác vùng bìu có thể xảy ra nhưng tỉ lệ rất thấp.
Do vậy, PGS Liễu khuyến cáo tốt nhất khi phát hiện bệnh lý thoát vị bẹn dù trẻ em hay người lớn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để tư vấn và phẫu thuật vì bệnh này không tự khỏi được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận