19/11/2013 00:50 GMT+7

Đừng chỉ trách người "đau chân"

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Bảo mẫu đạp vỡ tim bé 18 tháng tuổi”, lại thêm một “tin tức ngực” có thể khiến nhiều người mẹ, người cha nhắm mắt không dám đọc tiếp. Chỉ có thể nhắm mắt mà nghe tim mình thắt lại.

Lại nhắm mắt mà nghĩ đến hoàn cảnh của cha mẹ em bé. Gương mặt thất thần của chị H. như đặt dấu hỏi thật lớn: Ai cho tôi bình an?

H. lớn lên từ vùng quê nghèo, đã nỗ lực hết thời thơ trẻ để đến được TP.HCM học đại học, đã tốt nghiệp cử nhân ở trường đại học quốc gia, ấy vậy mà lại chưa xin được việc làm đúng khả năng của mình.

Tốt nghiệp rồi thất nghiệp. Nhưng khát khao có một hạnh phúc riêng thì không thể chờ, cuộc mưu sinh lại càng không thể đợi. Họ vẫn cứ thành đôi, tổ ấm vẫn rộn ràng trong căn phòng trọ. Họ vui vẻ sống đời công nhân để chờ đợi một tương lai tốt đẹp hơn.

Làm công nhân thì phải tăng ca mới có thêm thu nhập, nhưng con nhỏ không biết gửi đâu. Nhiều cặp vợ chồng công nhân đã nuốt nước mắt đưa con về quê gửi ông bà nội ngoại. Không ít cặp đôi khác đánh liều gửi con vào nhà trẻ tư nhân, các điểm trông trẻ tự phát. Vợ chồng H. đã gửi con ở nhà hàng xóm, vào tay một bà mẹ trẻ.

Tai họa xảy ra khiến vô vàn lời lên án của dư luận đổ lên đầu người trông trẻ tên N.. Cô ta khóc, nói lời hối hận: “Chỉ vì ích kỷ mà khiến bé chết”. Tôi nhớ đến một câu nhà văn Nam Cao đã viết: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất...”. N. có những nỗi đau của riêng cô: trở thành mẹ khi chưa đủ tuổi thành niên, cuộc sống thiếu thốn về kinh tế và dư thừa mâu thuẫn... N. còn chưa có đủ điều kiện để có thể trở thành một người mẹ tốt của con mình, tất nhiên không thể có khả năng để trở thành bảo mẫu.

Kết cục đau xót đã đến, như không thể đau xót hơn.

Không phải lần đầu tiên có những câu chuyện chấn động nhân tâm như thế này. Những ông bố, bà mẹ thường theo dõi thời sự có thể thuộc lòng một loạt những “bảo mẫu”, người trông trẻ khác đã trở thành “ông kẹ, bà kẹ” với trẻ nhỏ và chính phụ huynh. Nhưng nguyên nhân tất nhiên không phải chỉ ở một mình những người “đau chân” như N.. Vì thế, chuyện đau lòng này sẽ không phải là lần cuối cùng, khi mà những khó khăn nội tại không phải của riêng một gia đình chị H. chưa có được cách giải quyết.

Tỉ lệ những gia đình trẻ, độc lập như gia đình chị H. đang ngày càng lớn trong cơ cấu dân số 90 triệu người của Việt Nam đòi hỏi một giải pháp mang tính xã hội. Báo chí đã từng đưa gương điển hình những nhà trẻ trong xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp để công nhân yên tâm gửi con trong giờ làm việc, tăng ca... nhưng mô hình ấy lại chưa được nhân ra rộng rãi, chưa trở thành một yêu cầu bắt buộc khi xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp hình thành. Công luận đã từng nhiều lần yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ các nhà trẻ tự phát nhưng rồi mọi thứ vẫn bị buông lỏng, những nhóm trẻ, người giữ trẻ vẫn cứ tự động hình thành trong sự chấp nhận và ngó lơ của cả người ngoài lẫn trong cuộc... An sinh xã hội luôn được nhấn mạnh ở vị trí hàng đầu trong các chính sách nhưng lại vẫn ở một mức khiến cho có quá nhiều người “đau chân” đến khó lòng thương yêu người khác...

Câu chuyện đau lòng của bé L. hôm nay, liệu có phải là lúc lặp lại tất cả những điều đó, một cách mạnh mẽ hơn?

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên