Cùng vào bếp - Ảnh: TỰ TRUNG
Tiến sĩ KHUẤT THU HỒNG - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - nhận định: "Phía sau chúng là chiếc vòng kim cô gỡ mãi không ra".
"Vòng kim cô" khó gỡ
* Vì sao bà cho rằng phía sau những mỹ từ đó là "vòng kim cô"?
- Bởi vì chúng gắn chặt cuộc đời các bà, các mẹ, các chị em trong bổn phận người chăm sóc gia đình với triền miên những công việc không tên, mà để sắm trọn vai trò này, họ buộc phải tự quên đi những nhu cầu, khát khao, hoài bão… của bản thân.
Bị ru ngủ bởi những mỹ từ như "thiêng liêng", "cao quý", "thiên chức"… nên nhiều phụ nữ đã tự nguyện "giam mình" và "giam" luôn cả em gái, con gái, cháu gái của mình trong vòng hào quang giả tạo ấy với niềm tin rằng "phụ nữ phải là như thế".
Cũng có những chị em muốn thoát ra ngoài nhưng lại e ngại khi phải đi ngược lại quan niệm của số đông. Thành ra "vòng kim cô" đó thật sự khó gỡ.
* "Vòng kim cô" đó có từ đâu, thưa tiến sĩ?
- Vào thời phong kiến, phụ nữ phải "tam tòng, tứ đức". Họ được dạy phải biết nhường nhịn, chịu đựng, dù có đắng cay hay bất công đến đâu cũng không được lên tiếng.
Theo thời gian và sự biến chuyển của xã hội, những khuôn phép lạc hậu dần phai nhạt hoặc mất đi, thế nhưng quan niệm "nam giới là trụ cột gia đình và lãnh đạo xã hội, nữ giới là người chăm sóc gia đình" vẫn cứ được duy trì một cách bền vững và trở thành "chuẩn mực"/khuôn mẫu về vai trò của nam giới và nữ giới.
Khuôn mẫu giới này định hướng cho cách hành xử bất bình đẳng dai dẳng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, nghề nghiệp, việc làm, phân công lao động, hoạt động chính trị - xã hội…
Cả hai giới đều "khổ"
* Có phải ý của bà là khuôn mẫu giới đó gây bất lợi cho nữ giới?
- Cho cả hai giới. Với nam giới, họ vừa phải là chỗ dựa về mặt kinh tế gia đình, nuôi vợ con… lại vừa phải là biểu tượng đáng tự hào của dòng họ. Còn trong xã hội, họ bị ám ảnh bởi áp lực phải có "danh phận", "chỗ đứng" vững chắc nào đó.
Xã hội ngày càng cạnh tranh khốc liệt thì áp lực đó càng lớn. Những áp lực đó có thể dẫn họ tới những hành vi nguy cơ như lạm dụng rượu, ma túy… hay gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần như stress, chán nản, cảm giác cô đơn, muốn tự tử.
Với phụ nữ, khuôn mẫu đó gây bất lợi theo kiểu khác. Nó tước đi hoặc hạn chế các cơ hội của chị em trong học tập, theo đuổi sự nghiệp, hoạt động chính trị - xã hội…
Nó cũng khiến cho chị em ngại thể hiện năng lực bản thân theo cách khác với "chuẩn mực", từ đó dẫn đến sự hoài nghi về năng lực lãnh đạo của phụ nữ.
Vì vậy chị em ít được bầu chọn, đề bạt, ít được giữ cương vị cao. Trong khi đó, thực tiễn đã chứng minh năng lực nữ giới không hề thua kém nam giới mà thậm chí còn nổi trội hơn ở một số lĩnh vực và trong cả vai trò lãnh đạo.
* Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến vị thế của phụ nữ trong xã hội, thưa bà?
- Nếu nhìn vào tỉ lệ nữ lãnh đạo doanh nghiệp, nữ đại biểu quốc hội, nữ sinh ở các cấp học… thì thấy ngay đã có những cải thiện rất đáng kể vị thế của phụ nữ trong xã hội.
Nhưng so với năng lực tiềm tàng của chị em thì thành tựu đó còn khá khiêm tốn, vì thế bình đẳng giới ở nước ta dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chặng đường dài mới đến đích.
Ở nhiều nơi trên đất nước này, nữ giới vẫn luôn đứng sau nam giới, xã hội nhìn chung vẫn đánh giá họ thấp hơn nam giới. Bóng dáng chị em tại các diễn đàn thảo luận chuyện quốc gia đại sự còn ít ỏi.
Ngược lại, chúng ta thường bắt gặp họ với gương mặt bơ phờ, căng thẳng khi tan tầm còn phải đón con và lo bữa chiều. Riêng phụ nữ ở nông thôn còn vất vả hơn nhiều.
Nhìn vào mỗi gia đình cũng có quá ít ông chồng biết chia sẻ việc nhà, vì vậy phụ nữ phải mang "gánh nặng kép" khi vừa phải chung lo cơm áo gạo tiền lại vừa phải đảm đương vai trò chăm sóc gia đình - một "thiên chức" nặng nề, không được trả công và đánh giá cao. Chưa kể bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục vẫn còn là bóng ma ám ảnh bao nhiêu phụ nữ.
TS Khuất Thu Hồng
Không phải "giúp đỡ", mà là "cùng chăm sóc"
* Theo bà, giải pháp nào để cải thiện bất bình đẳng giới?
- Chúng ta đã biết nguyên nhân chủ yếu của bất bình đẳng giới chính là quan niệm/khuôn mẫu giới mang đầy định kiến về vai trò của phụ nữ gắn chặt với bổn phận chăm sóc gia đình.
Vì vậy, trước tiên cần thay đổi quan niệm này theo hướng bình đẳng hơn, chẳng hạn như "nam giới và phụ nữ vừa là trụ cột gia đình, vừa chăm sóc gia đình".
Hai giới sẽ cùng "tháo khuôn" để cùng gánh vác hai trách nhiệm, "trụ cột" và "chăm sóc", qua đó phát huy được năng lực của mỗi người trong gia đình và ngoài xã hội.
Cha mẹ cần chú trọng giáo dục lao động cho cả con gái lẫn con trai thông qua việc nhà. Nếu ngay từ nhỏ một bé trai được dạy làm các việc như lau dọn nhà cửa, rửa chén, nấu nướng... thì sau này sẽ dễ dàng không phải "giúp đỡ" mà là chia sẻ với vợ mình gánh nặng chăm sóc gia đình, đồng thời cũng là hình mẫu cho con trai mình noi theo.
Và khi có sự chung tay giải quyết việc nhà thì hạnh phúc sẽ vững bền hơn bởi ai cũng có điều kiện để học tập, theo đuổi sự nghiệp, khẳng định bản thân.
Các khóa học tiền hôn nhân cần lồng ghép nội dung chia sẻ việc nhà, giúp chị em nhận thức giá trị cốt lõi của mình không giới hạn ở vai trò chăm sóc, thúc đẩy phụ nữ tự chủ và tham gia tích cực vào đời sống kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó cần tăng cường thực thi pháp luật liên quan tới bình đẳng giới, nâng chất các dịch vụ xã hội nhằm giảm gánh nặng việc nhà, đào tạo chuyên môn để thúc đẩy phụ nữ tiếp cận các cơ hội phát triển sự nghiệp…
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận