Họ đã dũng cảm và mạo hiểm khi chọn cho mình thể loại khá khó.
Phóng to |
Hùng hồn như một bản hùng ca, Đại chiến Bạch Đằng mở màn bằng lời bình gãy gọn nhưng đậm chất tự hào được ghi chép trong sử Việt: “Đại Việt sử ký toàn thư là bộ quốc sử nguyên vẹn duy nhất còn tồn tại đến ngày nay. Nó ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời truyền thuyết Kinh Dương Vương đến thời đại vua Lê Gia Tông, do nhiều đời sử quan trong sử quán triều Hậu Lê biên soạn. Bộ sử này có ghi chép về một chiến công vang dội của nhân dân ta trên sông Bạch Đằng năm 938 dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền”.
Đấu tranh tư tưởng để làm phim lịch sử!
Đại chiến Bạch Đằng dài 6 phút 38 giây, được Vũ Đức Thịnh - trưởng nhóm làm phim gồm 6 bạn trẻ: Nhữ Thị Thùy Diệp, Nguyễn Thanh Đức, Đinh Ngọc Chính, Trần Hậu, Đặng Minh Quyền và Vũ Đức Thịnh thực hiện gọi vui là “phim minh họa cho một trận đánh quá hay trong lịch sử Việt Nam - đại chiến trên sông Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy”.
Thành quả có được này là nỗ lực trong hơn 3 tháng rưỡi ròng rã của cả nhóm khi vừa phải đọc lại toàn bộ Đại Việt sử ký toàn thư, các đầu truyện tranh, sách viết liên quan đến lịch sử trận đánh, cách viết kịch bản, điện ảnh để sao cho mỗi góc phim đạt được hiệu ứng cao nhất về thẩm mỹ…Tất cả công việc đó được 6 thành viên trẻ trung san sẻ với nhau với một niềm tin sẽ phải làm được, dù khó đến mức nào.
Phóng to |
Một trong những phân cảnh tốn nhiều thời gian dàn dựng và thiết kế nhất - Ảnh: NVCC |
Khúc sông đóng cọc được thực hiện bằng công nghệ 3D khá đẹp mắt - Ảnh: NVCC |
“Ban đầu ý tưởng của nhóm là sẽ thực hiện một bộ phim bình thường về làng quê Việt Nam vì phần lớn các bạn trong nhóm đều là dân tỉnh lẻ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, đồ án tốt nghiệp sẽ chỉ có một, vậy phải làm gì đó mình thật sự thích. Và nhóm đã quyết định tư duy về một đề tài mang tính lịch sử”.
Hiệu quả của việc vẽ tay cũng như sử dụng công nghệ 3D trong phim đều dừng lại ở mức vừa phải, không thật sự sắc sảo khi chuyển động của nhân vật vẫn còn khá cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Bản thân Đức Thịnh cũng hoàn toàn ý thức được điều này bởi nhóm đã phải bỏ rất nhiều bối cảnh, hình ảnh, chuyển động, đại cảnh đóng cọc trên sông… vì thời gian không cho phép.
Điểm cộng cho phim chính là phần lồng tiếng và âm thanh khá sống động, chỉn chu.
“Ban đầu không có kinh phí, tụi mình mua một bộ mic về tự cắm vào máy tính thu với nhau. Thu xong nghe lại thì hoàn toàn không hài lòng chút nào. May mà một người bạn đã giới thiệu với nhóm lồng tiếng Trí Việt (chuyên lồng tiếng cho kênh phim HTV3) nên phim mới có được phần lồng tiếng đạt hiệu quả cao như thế” - Đức Thịnh tâm sự.
Chưa thể gọi đây là bộ phim hoàn chỉnh bởi những hạn chế về thời gian, kỹ thuật… nhưng sự dũng cảm khi dám chọn lựa một cốt truyện sử thi làm đề bài cho mình, những bạn trẻ trên đã có được cái nhìn đầy thiện cảm của khán giả, nhất là khi lớp khán giả thích xem hoạt hình vẫn phải xa lạ với những thước phim hoạt hình lịch sử.
Khen ngợi, rồi sao?
Luôn là một thực tế nhức nhối rằng: người tâm huyết, sẵn sàng bỏ công, bỏ của, cả thời gian và sáng tạo với hoạt hình Việt lúc nào cũng có nhưng đất dụng võ cho những cống hiến này lại không phải lúc nào cũng rộng đường.
Phóng to |
Dưới bóng cây của nhóm làm phim Colory từng gây sốt vào năm 2011 - Ảnh: NVCC |
Hình ảnh con phố châu Âu lạnh giá khá sinh động trong bộ phim Cô bé bán diêm do nhóm TrueD thực hiện - Ảnh: NVCC |
Giữa năm 2011, bộ phim hoạt hình Dưới bóng cây của nhóm hoạt hình Colory (gồm những bạn trẻ được học hành bài bản và lần đầu làm về hoạt hình) đã tạo ra hẳn một làn sóng yêu thích và tự hào về trình độ, kỹ thuật làm hoạt hình tại Việt Nam. Thế nhưng sau khi Dưới bóng cây được quan tâm, khen ngợi đến mức đã có hẳn những suất chiếu nhỏ tại một số cụm rạp thì Colory đến nay vẫn chưa thể cho ra đời những sản phẩm tiếp theo để củng cố cho niềm tin này.
Bộ phim hoạt hình 3D Cô bé bán diêm “made in Vietnam” từng gây sốt bởi những khung hình trau chuốt, lung linh của nhóm làm phim True D cũng nhận được không ít lời khen và chờ đợi từ khán giả từ cuối năm 2011. Và đến nay họ vẫn tiếp tục đợi chờ…
Phóng to |
Chân dung nhóm làm phim hoạt hình lịch sử Đại chiến Bạch Đằng - Ảnh: NVCC |
Phóng to |
Vẽ phác thảo các phân cảnh trong phim - Ảnh: NVCC |
Có thể nói những nỗ lực nhỏ lẻ của từng cá nhân không thể làm nên một nền hoạt hình vững mạnh khi bản thân những bộ phim mang “tiền túi” ra làm này cũng không có đất chiếu.
Thầy Phan Văn Bảy, giảng viên khoa hoạt hình manga tại ĐH Hồng Bàng, cũng là người chịu trách nhiệm hướng dẫn Colory, nhóm làm phim của Vũ Đức Thịnh và rất nhiều nhóm làm phim SV trẻ khác, cho hay: “Từng có một vị làm tại một đài truyền hình lớn chia sẻ thành thật với tôi: Mình chưa có một nền tảng gì cả, bây giờ bảo bỏ tiền ra để đầu tư cho các em làm phim dài tập phát sóng với mức chi phí cao ngất như thế thì thà chúng tôi mua lại hoạt hình của nước ngoài chiếu còn rẻ hơn!”.
Và như vậy, chuyện những bộ phim hoạt hình của Tây, Tàu vẫn được xem là… món ăn tinh thần cho trẻ em Việt đã trở thành chuyện hết sức bình thường trong nỗi lo lắng và bất lực của những người quan tâm.
Anh Tuấn - trưởng nhóm Colory - tâm sự: “Dĩ nhiên mình còn quan tâm đến hoạt hình chứ, nhưng hiện tại cũng đành phải im ắng, nhiều dự định nhưng chưa thực hiện được”. Trong khi đó, Vũ Đức Thịnh lại thành thật: “Sau khi ra trường, nhiều công ty game đã đặt vấn đề. Chắc có lẽ em sẽ chọn về đây. Ở Việt Nam, người nào phải tâm huyết nhiều lắm mới dám theo đuổi ngành hoạt hình”.
Vì thế dấu chấm hỏi sau câu hỏi khen ngợi, rồi sao (?) đến nay vẫn là một câu hỏi lớn, chưa ai dám trả lời…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận