Tuy nhiên, “nạp” sắt không đúng cách, có khi thành hại chính mình!
Thiếu sắt, cứ ra… nhà thuốc!
Nhiều người soi kiếng thấy da dẻ hơi xanh xao, thường bị chóng mặt; hay bị người này người kia phán:”Coi bộ thần sắc không tốt nè. Chắc là thiếu máu…”, vậy là cứ phăm phăm ra nhà thuốc. Gặp cô bán thuốc, kể “bệnh”, cô này liền định “bệnh” lẫn khuyến khích: “Thiếu máu do thiếu sắt rồi. Uống sắt đi, hết liền!”. Vậy là mua dăm ba chục viên sắt về quất dần dần…
Thực tế, người bị thiếu máu có thể có các triệu chứng như sau: da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; hay bị ù tai, chóng mặt, hồi hộp, nhịp tim nhanh, dễ mệt; tóc dễ rụng, móng tay, móng chân bị mỏng, lồi lõm, giòn, dễ gãy; vô kinh ở nữ…
Tuy nhiên, nguyên nhân gây thiếu máu mới là quan trọng. Để xác định, người bệnh cần được bác sĩ khám và làm xét nghiệm công thức máu đàng hoàng, không thể “trông mặt mà bắt hình dong” được! Nếu thiếu máu do thiếu “nguyên liệu” để tạo máu gồm sắt, acid folic và vitamin B12 thì uống thuốc bổ sung các chất này là hợp lý. Nếu thiếu máu do nhiễm ký sinh trùng, mất máu do loét dạ dày, bệnh lý về huyết sắc tố hay nhiễm độc mãn tính khí CO… thì phải điều trị theo cách khác.
Thừa sắt tai hại như thiếu sắt!
Không nên và không thể xem sắt như một loại thuốc bổ phổ thông, loại “dầu cù là” ai bôi cũng được! Vì thừa sắt cũng tai hại không kém thiếu sắt. Đặc biệt, trẻ đang bị nhiễm trùng thì không nên bổ sung sắt, vì có thể khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
Đối tượng thiếu máu do thiếu sắt thường gặp nhất là trẻ em và phụ nữ có thai. Phụ nữ có nhu cầu sắt nhiều hơn nam giới, vì bị mất máu khi “ngắm trăng” hàng tháng! Còn ở phụ nữ có thai, nhu cầu sắt cao gấp đôi phụ nữ bình thường. Bà mẹ mang thai mà bị thiếu máu thiếu sắt, đứa trẻ sinh ra cũng rất dễ bị thiếu máu.
Theo WHO, phụ nữ có thai nên uống một viên sắt (60mg sắt nguyên tố) mỗi ngày cho tới sau khi sinh một tháng. Ngoài ra, chị em cũng nên ăn uống đa dạng, đặc biệt chú ý các thực phẩm như thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, các loại đậu, các loại rau có màu xanh đậm, … để tăng cường thêm sắt và acid folic, vitamin B12.
Trẻ bị bệnh nhiễm trùng trong thời gian dài làm cơ thể không hấp thu được sắt từ thức ăn, nên cũng dễ bị thiếu máu. Trẻ bị thiếu máu sẽ chậm phát triển, hệ miễn dịch yếu nên dễ bệnh. Trẻ thiếu cân nên khám để được tư vấn dinh dưỡng phù hợp và bổ sung sắt nếu cần.
“Hung thần” gây…táo bón, nôn ói!
Thông thường, sắt vô cơ như sắt sulftate dễ hấp thu hơn, nhưng lại dễ gây táo bón. Các dạng sắt hữu cơ như sắt gluconate, sắt succinate, sắt fumarate,.. thì ngược lại, khó hấp thu hơn nhưng lại ít gây táo bón.
Cơ thể chúng ta chỉ hấp thu được sắt II (Fe2+), không hấp thu được sắt III (Fe3+). Nếu uống dạng Sắt III, nó sẽ được các chất khử như vitamin C chuyển thành sắt II trước khi hấp thu. Do đó, uống kèm thức uống chứa vitamin C như nước cam, nước chanh sẽ giúp tăng hấp thu sắt.
Uống sắt khi bụng đói thì dễ hấp thu, nhưng cũng dễ bị kích ứng dạ dày. Thôi thì uống sau khi ăn nhẹ, thà hấp thu kém hơn một chút còn hơn bị nôn ói thì mất cả chì lẫn chày!
Không dùng thuốc sắt chung với thuốc calcium, thuốc đau dạ dày dạng antacid, sữa, trà, cà phê vì sẽ làm giảm hấp thu. Ngoài ra, cần uống nhiều nước và ăn những thực phẩm giàu chất xơ để phòng ngừa táo bón.
Đối với trẻ em, bổ sung sắt tốt nhất là sắt heme có trong thịt, cá. Đây là loại sắt tự nhiên dễ hấp thu nhất mà không sợ tác dụng phụ hay thừa sắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận