Tranh thủ những lúc rảnh, Minh Thư phụ giúp chị những công việc gia đình - Ảnh: NGUYÊN AN
Ngày nhận kết quả đậu ngành tài chính ngân hàng Trường đại học Tài chính marketing (TP.HCM), Huỳnh Thị Minh Thư (học sinh lớp 12A2 Trường phổ thông Hermann Gmeiner) phải suy nghĩ khá lâu mới dám thông báo cho người thân. Bởi với bạn lúc đó phải lựa chọn bước tiếp hay dừng lại, hoặc là đưa ra một lựa chọn khác nhẹ nhàng hơn, bớt áp lực hơn cho chính bản thân và gia đình.
Những phần khó của cuộc sống
"Mình nhớ lúc mẹ tỉnh lại sau tai nạn, không nhận ra ai, kể cả hai chị em mình. Phải nói lúc ấy mình sốc lắm, chẳng cần gì nữa, chỉ muốn ở cạnh mẹ 24/24 giờ thôi", Minh Thư kể về biến cố gia đình xảy ra năm 2016, khi em vừa tròn 13 tuổi.
Cha mất khi chị gái được 2 tuổi, còn Thư vừa mới lọt lòng. Mẹ trở thành điểm tựa duy nhất của gia đình. Nỗi đau mất cha và cảm giác thiếu một phần hơi ấm gia đình càng rõ hơn khi hai cô con gái khôn lớn. Thế nhưng điều ấy được bù đắp bằng tình thương bao la của người mẹ.
"Dường như cảm nhận được khó khăn của gia đình mà ngay từ bé, hai chị em nó đã tự bảo ban nhau khi tôi đi làm mướn đến khuya mới về. Đứa nào cũng học giỏi, chăm ngoan, biết phụ mẹ lo hết mọi việc nhà. Ai ngờ đâu ông trời không thương, đùng một phát ngã xuống, tỉnh lại đã thế này" - bà Nguyễn Thị Thành, mẹ Thư, không cầm được nước mắt.
Sau tai nạn giao thông, bà Thành lúc nhớ lúc quên, nhiều lần nổi nóng vô cớ. Thị lực cũng từ đó giảm hẳn, trước mắt là khoảng trắng đục, mơ hồ. Chị gái Thư khi ấy phải nghỉ học ngang lớp 9. Bên cạnh sự giúp đỡ của họ hàng và làng xóm, việc chăm sóc mẹ và đi làm thuê kiếm tiền nuôi cả gia đình nằm cả trên 2 đôi vai bé nhỏ.
Thương mẹ, Thư ngỏ ý muốn thôi học để cùng chị gánh gồng. Nhưng chính chị gái đã tiếp thêm cho cô gái nhỏ sức mạnh bằng câu nói: "Có chị lo cho mẹ rồi. Đừng bỏ học, em là niềm hy vọng của cả nhà". Hoàn cảnh của gia đình Thư chạm đến trái tim nhiều người và họ đã giới thiệu đến làng SOS Đà Lạt. Từ ngôi nhà nhỏ ở xã Proh (huyện Đơn Dương), Thư chuyển lên sống tại nhà lưu xá thanh niên và được miễn toàn bộ học phí trong suốt ba năm THPT tại Trường phổ thông Hermann Gmeiner.
"Cô giáo" nhỏ của làng SOS
Ông Trần Bảo Long - giám đốc làng trẻ em SOS Đà Lạt - cho biết Minh Thư là học sinh không ngừng cố gắng để giữ thành tích học sinh giỏi. "Đó là một điều đáng quý. Bản thân em cũng đã phải nỗ lực rất nhiều để vươn lên nghịch cảnh, trở thành chỗ dựa và hy vọng của cả gia đình", ông Trần Bảo Long cho hay.
Trong suốt ba năm THPT, Thư bảo mình chỉ biết lấy tình thương của mẹ cùng những giọt nước mắt mỗi khi nhớ nhà thành động lực dồn hết thời gian, tâm trí vào việc học. Chính vì thế mà em vẫn giữ vững thành tích trong tốp đầu của lớp.
Thầy Nguyễn Huy Hoàng - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 của Thư - cho hay bên cạnh cố gắng học tập thì Thư cũng hết lòng giúp đỡ bạn bè. Không ít lần Thư dành khoảng thời gian đầu giờ hay những lúc ra chơi để giúp bạn làm bài tập. "Thư cũng hỗ trợ giáo viên ôn tập cho các bạn yếu. Em như "cô giáo" không chính thức cho bạn bè cùng lứa. Biết rõ những cố gắng của Thư nên mình cũng khuyên em nên lựa chọn trường xứng đáng với năng lực", thầy Hoàng cho biết thêm.
Ngày nhận giấy báo, Thư nói mình lo nhiều hơn mừng. Ngoài Đại học Tài chính marketing, Thư trúng tuyển vào Đại học Mở TP.HCM và Đại học Đà Lạt. Mất nhiều thời gian để tự suy nghĩ và nhờ người tư vấn, Thư chọn về xuôi để thay đổi môi trường nhằm đa dạng hóa hiểu biết cuộc sống của mình.
Nhìn bảng kê học phí sắp phải nộp nếu đi TP.HCM, Thư tần ngần. Đến nay sau nhiều ngày nhận giấy báo, Thư vẫn chưa biết phải làm thế nào để có đủ số tiền học phí. Những ngày đi làm thuê ở xứ rau Đơn Dương chỉ đủ cho Thư lo tiền gạo trong nhà và chút ít tiền thuốc cho mẹ.
"Giá như tôi còn khỏe mạnh thì hai đứa đâu đến nỗi phải khổ thế này", lời nói của bà mẹ quê nghẹn đi khi nghĩ tới chặng đường sau này của cô con gái nhỏ.
"Mình thực sự đã rất lo lắng vì biết rằng phía trước có rất nhiều khó khăn. Nhưng mình tin là chỉ cần cố gắng, mình sẽ làm được. Mình còn có mẹ và gia đình ủng hộ, là động lực để mình tiếp tục vững bước", Minh Thư tâm sự. Trong những ngày chờ nhập học, Minh Thư rời làng SOS về nhà. Thư tranh thủ những ngày chưa nhập học để đi làm thuê tại vựa rau, kiếm thêm chút tiền cùng chị trang trải cho gia đình.
"Công việc không vất vả. Mỗi ký ớt người ta trả 500 - 600 đồng. Ngày nào làm nhiều, mình có thể kiếm được gần 150.000 đồng. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được, mình quý lắm, chẳng dám tiêu xài gì mà đem về cho mẹ. Mình hy vọng sẽ có thể thành đạt trong tương lai chứ nghèo mãi thế này, mẹ mình khổ quá", Thư nói trong nghẹn ngào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận