Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề nghị dự thảo Luật về hội cần từ bỏ tư duy quản không được thì cấm - Ảnh: VIỆT DŨNG |
“Tôi thấy cấu trúc luật quá nặng về các thủ tục giấy tờ thành lập, quy trình đại hội, đăng ký với Nhà nước... mà chưa làm rõ được phần chính là quyền hạn và nghĩa vụ.
Theo tôi, thủ tục cần đơn giản và nhanh gọn hơn trong quy trình thành lập, đại hội, quyết định công nhận theo tinh thần cải cách hành chính và tôn trọng” - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề nghị.
Không phù hợp với xu thế phát triển
Bà Phong Lan cho rằng: “Phải tin tưởng giao quyền và cơ chế thì mới hi vọng phát huy vai trò của hội trong quản lý hội viên, bớt gánh nặng cho quản lý nhà nước và tăng hiệu quả.
Trên thế giới có các hội nghề nghiệp như luật sư đoàn, y sĩ đoàn, dược sĩ đoàn, kế toán, kiến trúc sư mà người nào đó muốn hành nghề phải là hội viên, được tổ chức hội xét cấp giấy phép và bị rút khi vi phạm.
Ở VN mới chỉ có đoàn luật sư là được theo cơ chế này và đang bước đầu phát huy hiệu quả. Thực tế VN có nhiều hội rất ít hoạt động, hầu như chỉ là nơi tập hợp người về hưu, chưa phát huy được sức mạnh. Tôi cho rằng lỗi ở cả hai phía: bản thân hội chưa đủ mạnh và cơ quan quản lý chưa tin tưởng”.
Cũng như nhiều đại biểu khác, đại biểu Phong Lan cho rằng khoản 5 điều 8 dự án luật quy định hội không liên kết, gia nhập hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, là không phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển, đối đẳng trong quan hệ ngoại giao.
“Chính phủ liệu có bao quát hết tất cả các trường hợp đặc biệt để quy định đầy đủ và kịp thời? Tại sao hội và các pháp nhân thuộc hội lại bị hạn chế quyền hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế, trong khi các cơ quan tổ chức khác thì không?
Tôi đề nghị dự thảo luật cần được nghiên cứu bổ sung điều chỉnh trước khi thông qua, cần từ bỏ tư duy quản không được thì cấm” - bà Lan nhấn mạnh.
Đại biểu, GS.TS Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phân tích thêm: “Quy định không được nhận tài trợ nước ngoài, chỉ được nhận trong trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì như thế nào là đặc biệt? Nếu quy định không rõ ràng thì rất khó thực hiện, nhất là những hoạt động tài trợ liên quan đến thuốc men hoặc những cứu trợ tức khắc, vì khi đó còn đi xin cơ chế đặc biệt.
Tôi cho rằng quy định như vậy là cản trở hội nhập, điều đó không thực sự phù hợp với quan điểm của Đảng. Quy định như vậy làm mất cơ hội để tiếp cận nguồn lực to lớn của quốc tế viện trợ cho các đối tượng yếu thế, các bệnh nhân, nạn nhân, hỗ trợ cho các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, các bệnh viện...”.
Quên Hội Liên hiệp thanh niên và Hội Sinh viên?
Do đặc thù của lịch sử cách mạng và thể chế chính trị VN, dự thảo Luật về hội không áp dụng với MTTQ VN, Công đoàn VN, Hội Nông dân VN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ VN và Hội Cựu chiến binh VN.
Đại biểu Lâm Đình Thắng - phó bí thư Thành đoàn TP.HCM - cho rằng quy định như vậy là chưa đầy đủ vì tổ chức chính trị xã hội chính thức của thanh niên VN theo chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và thực tiễn hiện nay còn có tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên VN và Hội Sinh viên VN.
Ông Thắng kiến nghị dự luật nên quy định: “Luật này không áp dụng đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức do Đoàn làm nòng cốt chính trị theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật”.
Vì dự thảo luật còn nhiều vấn đề cần thảo luận kỹ, không ít đại biểu Quốc hội đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp này. Trưởng ban soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục góp ý để ban soạn thảo hoàn thiện, chỉnh lý, để đến kỳ họp sau của Quốc hội có được bản dự thảo nhận sự đồng thuận cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận