Theo UBND tỉnh Gia Lai, thời gian qua một số báo phản ánh về việc tạm dừng hoạt động cồng chiêng cuối tuần do chưa có kinh phí. Các nội dung nêu chưa chính xác, gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội.
Tỉnh nói Nhà nước bảo đảm ngân sách
UBND tỉnh cho hay hoạt động cồng chiêng cuối tuần đã được tỉnh cho chủ trương trở thành sự kiện văn hóa thường xuyên. Tạo điểm thu hút, giới thiệu và quảng bá văn hóa cồng chiêng Gia Lai.
Chương trình thuộc đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2025, được ngân sách nhà nước bảo đảm và từ nguồn huy động hợp pháp khác từ năm 2023.
Liên quan hoạt động này, UBND tỉnh đã giao giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đánh giá, bổ sung các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, đề xuất các nội dung nếu vượt thẩm quyền.
Do đó, tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo nội dung nhiệm vụ tỉnh giao; cùng Sở Tài chính báo cáo kinh phí đã cấp và triển khai các nhiệm vụ văn hóa không sử dụng hết trả lại ngân sách nhà nước trong năm 2023.
Việc tham mưu đề xuất đối với kinh phí triển khai kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan các đề án, dự án đã phê duyệt, bao gồm hoạt động cồng chiêng cuối tuần.
Cùng với đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, báo cáo việc một công chức do sở quản lý không được phân công phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí nhưng có hàng loạt ý kiến, nội dung nhận định chưa được kiểm tra, kiểm chứng liên quan kế hoạch của ngành, gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội, đề xuất xử lý.
Người tâm huyết sốc và buồn
Dù văn bản của UBND tỉnh Gia Lai không nêu rõ tên công chức Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai là ai, nhưng ông Nguyễn Quang Tuệ - trưởng phòng quản lý văn hóa sở này, người thông tin về việc tạm dừng chương trình do khó khăn về kinh phí - cho hay ông và gia đình rất buồn, có hơi lo lắng khi nhận văn bản của tỉnh.
Ông Tuệ khẳng định lại chương trình đã hết tiền từ cuối năm 2023.
Đến đầu năm 2024, ông Tuệ huy động tiền gia đình và vay mượn một số người quen kéo dài được 2 tháng, hết gần 170 triệu đồng thì phải dừng vì hết tiền.
Ông nói khá sốc khi nhận phản hồi này vì đã dành nhiều tâm huyết và công sức lăn lộn để xây dựng chương trình.
"Cứ 4 - 5h chiều thứ bảy đã chạy xuống lo và theo dõi việc tổ chức chương trình cồng chiêng, rồi khi biểu diễn xong 11 - 12h đêm mới lủi thủi về nhà. Giờ nhận thông tin như vậy, vợ con tui bảo làm thế có xứng đáng không?" - ông nói.
Theo ông Tuệ, vấn đề chính ở đây là cần xác định chương trình cồng chiêng cuối tuần có phải là hoạt động văn hóa cần thiết, hữu ích không, từ đó, có nên tranh luận việc này hay cố gắng giải quyết các tồn tại để chương trình nhanh chóng nối lại hoạt động.
Chưa hoàn thiện hồ sơ nên chưa triển khai?
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Nhung - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai - cho hay vừa nhận được văn bản của tỉnh, tuy nhiên do đang bận họp nên chưa trả lời được cụ thể.
Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 29-2, ông Nhung cho biết việc tạm dừng hoạt động cồng chiêng cuối tuần là do chưa có kinh phí để hoạt động.
Nguyên do là chương trình được duy trì bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Trong 6 tháng cuối năm 2023, chương trình được Nhà nước hỗ trợ (dự án 6).
Đến đầu năm 2024, dự án trên đang thực hiện hồ sơ nên chưa triển khai được. Khi nào có kinh phí, chương trình lại tiếp tục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận