Cảnh trong phim Sống cùng lịch sử - bộ phim gây dư luận những ngày qua khi báo chí thông tin phim được đầu tư 21 tỉ đồng nhưng chỉ bán được vài chục vé - Ảnh: ĐPCC |
Giải pháp nào để chống lại bi kịch phim lịch sử được Nhà nước đặt hàng tiền tỉ, nhiều tỉ mà quá thiếu vắng người xem và cho đến hôm nay đã thành “dị ứng” với người xem? Theo tôi, có lẽ giải pháp căn cơ nhất và trước hết là phải thay đổi tư duy người quản lý về chuyện rót tiền cho phim |
Câu hỏi được gửi tới nhiều người, để nghe các ý kiến từ nhà phê bình và khán giả.
Tất cả ý kiến từ phía những người làm phim và quản lý phim trên báo chí vừa qua, đã không thể giải trình một cách thuyết phục cho dư luận xã hội đang hết sức bức xúc về việc phim lịch sử Việt không bán được vé khi ra rạp.
Rõ ràng là không gì và không ai có thể giải thích được việc này bằng những lý do đích đáng, nếu không sa vào việc nêu những lý do kiểu tư biện.
Nào là số tiền dành cho quảng cáo chỉ 50 triệu đồng thì quá nhỏ so với chi phí 21 tỉ đồng làm phim, nào là làm phim lịch sử để phục vụ lễ lạt khó lắm thay. Và đặc biệt, một quan chức điện ảnh còn cho rằng Sống cùng lịch sử làm được như thế và chiếu cho cả chục ngàn người xem miễn phí thế là đã xong nhiệm vụ lịch sử của một bộ phim đặt hàng từ Nhà nước, chuyện ra rạp mà không bán được vé nào là có thể hiểu được.
Thật là một cách đánh tráo khái niệm, bởi hai loại công chúng phim lịch sử là rất khác nhau, một bên là xem phim miễn phí, xem chùa như ngắm trăng tập thể thời bao cấp, một bên là bỏ tiền cá nhân ra mua vé xem phim!
Có thể nối dài thêm ý kiến này theo logic sau: Vậy thì nó đủ lý do để cất vào kho và cất vào kho là bi kịch đã từng xảy ra với bao bộ phim lịch sử khác.
Sao lại có thể tiêu một núi tiền vào việc sản xuất một bộ phim lịch sử mà chẳng ai hào hứng rủ nhau xem?
Câu hỏi lớn đặt ra là giải pháp nào để chống lại bi kịch phim lịch sử được Nhà nước đặt hàng tiền tỉ, nhiều tỉ mà quá thiếu vắng người xem và cho đến hôm nay đã thành “dị ứng” với người xem?
Theo tôi, có lẽ giải pháp căn cơ nhất và trước hết là phải thay đổi tư duy người quản lý về chuyện rót tiền cho phim. Cân nhắc, đắn đo ngay từ trên giấy (kịch bản phim).
Tôi nhớ cái cách quyết định xác đáng của những nhà quản lý phim Hà Nội, năm 2010 nhân Đại lễ Hà Nội 1.000 năm, đã quyết định ngừng cấp 200 tỉ đồng cho việc làm phim về Lý Thái Tổ ngay từ khi nó mới bắt đầu, số tiền này gần gấp 10 lần số 21 tỉ đồng đã chi tiêu cho Sống cùng lịch sử.
Và báo Tuổi Trẻ TP.HCM cũng góp phần vào quyết định sáng suốt ấy bằng các bài viết chứng minh rằng với cách làm phim như thế, tương lai của bộ phim sẽ chỉ đạt đến việc...vào kho!
Không nên sản xuất phim lịch sử hoành tráng này mặc dù chủ trương và kinh phí của Nhà nước cho phim này là hoàn toàn chính đáng! Đó là thí dụ đáng giá nhất mà tôi được tham gia viết bài cho chùm bài ấy và thấy thán phục sự sáng suốt trong cách nghĩ, cách tiêu tiền của Hà Nội trong bộ phim này.
Tất nhiên, việc thay đổi tư duy cần phải diễn ra tiếp liền ở những người thực hiện phim lịch sử, nhất là vai trò người đạo diễn. Người đạo diễn là tổng chỉ huy một bộ phim, chịu trách nhiệm nghệ thuật về phim lịch sử, cũng hệt như vị huấn luyện viên bóng đá. Việc thành công hay thất bại là do anh ta, anh không thể vô can trước một bộ phim do mình đạo diễn mà chẳng xui khiến được người xem mua vé vào xem!
Tôi thấy đạo diễn Việt nên học tập quan niệm và cách làm phim lịch sử của các cường quốc từng thành công với loại phim mà họ cho đó là phương diện của quốc gia này, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ.
Các quốc gia này đều thành công trong việc làm phim lịch sử đạt tới trình độ kinh điển về chính lịch sử của quốc gia mình. Mình nên học từ họ cách làm phim lịch sử tiên tiến ấy, khi lịch sử Việt Nam vốn có những trang sử rất lộng lẫy huy hoàng? Tại sao không?
* TS Nguyễn Thị Hậu: Cần những thân phận sống động Vài chục năm trước đây phim về đề tài lịch sử nhiều người xem và ít bị chê bai vì hồi đó phương tiện giải trí nói chung và phim Việt nói riêng còn ít, người dân cũng ít được xem phim nước ngoài để so sánh. Vài chục năm sau, nội dung, hình thức, thậm chí cả chất lượng phim lịch sử của Việt Nam không khác trước bao nhiêu, trong khi người dân có nhiều lựa chọn cho sự giải trí và sự tìm hiểu lịch sử của mình. Vì vậy người ta không muốn đi xem nữa. Mặt khác, với phim cổ trang, phim lịch sử thì các nhà làm phim và nhà nghiên cứu, nhà phê bình (lịch sử, mỹ thuật, tuyên giáo...) cũng thường có tranh cãi về “tính xác thực” (sự kiện, nhân vật, trang phục, thiết kế... kể cả về tính chính trị) mà hình như không ai chịu ai, khán giả bị sa vào “mê trận” này, ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc và nhận thức khi xem phim. Lịch sử và nghệ thuật tái hiện lịch sử là khác nhau. Phim ảnh, văn học... không phải khoa học lịch sử nên không cần phải phục dựng chính xác sự thật lịch sử, mà có thể xoay quanh những sự thật, sự kiện lịch sử để dựng lại một câu chuyện, một bối cảnh hay đơn giản hơn, một thân phận sống động. Phim cổ trang và phim lịch sử các nước hấp dẫn chính là ở đó, Việt Nam trước sau cũng phải đi theo hướng này. * Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Giải quyết nút thắt trong tâm lý Tôi nghĩ sự thành công của một bộ phim ngoài kịch bản hay, diễn xuất giỏi còn phải có công tác quảng bá tốt. Qua các bộ phim lịch sử - chiến tranh - cổ trang của Việt Nam, tôi chưa thấy bộ phim nào đạt được một trong cả ba điều kiện trên, đặc biệt là ở khâu kịch bản. Còn về chuyện trang phục, đây cũng là một trong những nút thắt khiến phim cổ trang khó có lối thoát. Tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... vấn đề trang phục cổ trong khoảng vài chục năm trở lại đây mới được nghiên cứu kỹ lưỡng. Và các thành quả nghiên cứu đó được phổ biến rộng, rồi được thể hiện qua phim ảnh. Khi có ý kiến phản hồi, họ có đầy đủ bằng chứng để chứng minh được. Còn nghiên cứu trang phục ở ta trước đây chưa có tính thuyết phục, tôi tin trong nay mai, khi tư liệu đầy đủ hơn, chúng ta có thể giải quyết được khâu này. Tôi muốn lưu ý rằng trong quá khứ, vua quan Việt từng tự hào về sự giống, tương đương, không thua kém so với văn hóa cung đình Trung Quốc, quy chế áo mũ qua các đời đều có sự châm chước mô phỏng, tình hình ở Hàn Quốc cũng không khác. Nhưng giờ đây thì người ta chỉ muốn tổ tiên mình phải khác. Đó là một sự mâu thuẫn, mà nếu không giải quyết nút thắt trong tâm lý này thì sẽ chẳng có đạo diễn nào có thể thả phanh sáng tác! * Nhà nghiên cứu điện ảnh Bá Vũ: Đóng học phí để học hỏi Theo tôi, Việt Nam thời điểm hiện tại và cho tới ít nhất 10 năm nữa chưa thể làm được phim lịch sử chiến tranh cổ trang, đơn giản vì chúng ta không có nhân lực vật lực đáp ứng được đề tài này. Muốn làm được một phim lịch sử cổ trang cho ra hồn, chỉ có cách duy nhất là mời các chuyên gia nước ngoài tư vấn, như Hàn Quốc (phim Taegukgi), Trung Quốc (phim Assembly) đã từng làm, coi như đóng học phí để học hỏi, trước khi tự mình có thể sản xuất. Phim Đại thủy chiến là câu chuyện mang nặng tính dân tộc. Tôi nghĩ nó chỉ thành công doanh thu ở chính Hàn Quốc, và người Hàn khi làm phim này chắc cũng không dám mơ nó sẽ chinh phục được thế giới. Tôi luôn tin rằng hơn ai hết khán giả Việt Nam sẽ rất thích xem phim lịch sử của đất nước mình. Hãy nhớ lại những gì mà loạt phim Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn... đã làm được trước đây. Chỉ có nhà làm phim Việt Nam phụ lòng khán giả thôi, chứ khán giả Việt Nam luôn rộng lòng với phim Việt nhiều lắm! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận