20/12/2018 09:34 GMT+7

Đừng bêu tên em dưới cờ, thầy ơi!

THẢO TÂM
THẢO TÂM

TTO - 'Em Danh không thuộc bài, em Sơn nhiều lần không mang dép quai hậu, em Dương chưa đóng học phí, em Sơn và em Danh hay nói chuyện để giáo viên nhắc nhiều lần, em Đăng mang dao nhựa nhọn đến lớp...'.

Đừng bêu tên em dưới cờ, thầy ơi! - Ảnh 1.

Tiết chào cờ đầu tuần là cơ hội để động viên học sinh. Trong ảnh: học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) trong buổi chào cờ đầu tuần - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là "thông tin" của tiết chào cờ đầu tuần tại trường tiểu học ở thị trấn nhỏ của một tỉnh miền Trung, mà chị Đ.T.T. (phụ huynh em P.T.) nghe được khi đứng ngoài cổng.

"Thầy cô đọc tên để chúng con sợ" (!?)

Nằm sát quốc lộ, đối diện chợ nhỏ là nơi hai con chị Đ.T.T. đang theo học (lớp 4 và lớp 1). "Nếu như không quay lại mang vở học cho con, chắc không bao giờ tôi biết nhà trường đang giáo dục các em hay là đang hù dọa học sinh?" - chị T. chia sẻ.

"Ngay sau khi tan học, về đến nhà tôi hỏi lại con câu chuyện về tiết chào cờ đầu tuần. Con kể lại các lớp xếp hàng ngay ngắn, các bạn hát quốc ca, đội ca theo loa đài. Sau đó, đại diện thầy cô của lớp trực đọc hết tên các bạn vi phạm, bạn nào có tên tự động đứng lên trước cờ. Bạn nào đạt thành tích tốt, điểm cao, làm việc tốt thì không được đọc tên tuyên dương. 

Tôi rất ngạc nhiên khi con lại nói thêm: Thầy cô đọc tên để chúng con sợ. May là một tuần chỉ chào cờ một lần, chứ như cực hình, con sợ đến thứ hai" - chị T nói. Đã bốn năm học ở trường là cứ mỗi sáng đầu tuần con chị nghe, chứng kiến và là "người trong cuộc" của những "thông tin"... chào cờ đầu tuần đó.

Tìm hiểu về câu chuyện chào cờ ở một số trường tại TP.HCM, ông Đinh Bảng, hiệu trưởng Trường tiểu học Hiệp Tân (Q.Tân Phú), chia sẻ: "Tiết chào cờ của trường tôi tổ chức tùy theo chủ điểm. Như tuần này là chuẩn bị các hoạt động vừa vui Noel và vừa ôn tập học kỳ 1. 

Nội dung của buổi chào cờ là tổng kết nhận định tuần trước, phát cờ luân lưu để động viên học sinh, kế hoạch tuần tới và cuối cùng sinh hoạt với những trò chơi hay hát tập thể. 

Từ ngày có quy định về trường học thân thiện, khi chào cờ trường chúng tôi tuyệt đối không đọc tên các học sinh vi phạm vì đây là chuyện nội bộ của từng lớp học".

Còn cô Nguyễn Thị Hòa, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.Tân Bình), cho biết trường chào cờ theo chủ đề, giáo viên sinh hoạt chuyên đề gì thì học sinh sinh hoạt theo chuyên đề đó. 

"Trường tuyệt đối không đọc tên học sinh vi phạm, mà giáo viên chủ nhiệm phải nhắc nhở ở lớp. Chỉ nêu tên học sinh gương người tốt việc tốt, có thành tích trong các hội thi do trường, quận tổ chức" - cô Hòa nói.

Đừng bêu tên em dưới cờ, thầy ơi! - Ảnh 2.

Học sinh vi phạm bị sao đỏ ghi tên - Tranh: NGỌC NHI

Dằn vặt chung?

Tiết chào cờ là một tiết học đặc biệt. Ngoài việc giáo dục học sinh có thái độ trân trọng quốc kỳ, nâng cao lòng yêu nước còn rèn luyện kỹ năng sống, làm học sinh cảm thấy thân thiện gắn bó trường lớp, phát huy gương sáng trong học tập. Thế nhưng duy trì cách chào cờ với việc răn đe phê bình học sinh liệu có giáo dục toàn diện được học sinh?

Trao đổi điều này, PGS.TS Ngô Minh Oanh, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét: "Không thể giáo dục học sinh qua những lần gọi tên dưới cờ như vậy vì rất thiếu tế nhị và phản cảm. 

Tôi cũng không chấp nhận phê bình học sinh dưới cờ vì chậm nộp tiền, vừa làm ảnh hưởng học sinh vừa làm mất hình ảnh giáo viên. Giáo dục cần nhất là sự quan tâm, cảm hóa, vỗ về..., nhất là học sinh tiểu học".

Ông Oanh cho rằng phê bình học sinh trước toàn trường sẽ gây tổn thương cho các em. Nếu có phê bình cần hết sức tế nhị, cần phải chọn thời điểm, không gian phù hợp, phân tích nhắc nhở các em sẽ thuyết phục hơn. 

Nếu cứ duy trì cách tổng kết tuần trong buổi chào cờ bằng cách phê bình như thế hoặc có em sẽ sốc, hoặc sẽ "lờn thuốc" dẫn đến tiêu cực. "Đây hoàn toàn là phương pháp giáo dục không tốt, không thể thân thiện như chúng ta hô hào, mà nói đúng hơn đó là sự lạnh lùng" - ông Oanh nhận xét.

TS giáo dục học Nguyễn Văn Nam, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đồng tình: "Phê bình học sinh dưới cờ là cách giáo dục sai hoàn toàn về tâm lý. Ngay ngày đầu tuần dưới cờ, cách làm này đã làm học sinh chán học nặng nề, lo lắng, thiếu vắng nụ cười. 

Đầu tuần phải cho các em phấn chấn, hưng phấn học tập. Một tập thể không thể lấy lỗi lầm của em này để dằn vặt các em còn lại, vô hình trung mang lại tiêu cực. Phải khen thưởng những em có thành tích tốt để học sinh nhìn vào đó làm gương, làm giống như bạn của mình".

Bạo lực tâm lý

Không riêng trường ở miền Trung, tôi còn chứng kiến những đội cờ đỏ, giám thị trường ở các TP lớn nêu tên các em vi phạm như một "chiến tích" trong công việc của mình mà quên rằng sự răn đe hù dọa là áp lực tư tưởng, bởi xét cho cùng sự răn đe đó là một bạo lực tâm lý.

Để học sinh phấn khởi cho một tuần học tập mới, các trường nên xem chào cờ như tiết giáo dục ngoài giờ lên lớp bổ ích, tổ chức những hoạt động xen kẽ với những tuyên dương khích lệ, đồng thời tạo sự thu hút được sự tập trung cao độ của học sinh trong tiết chào cờ.

Lễ chào cờ đặc biệt chia tay tuổi học trò

TTO - Sau lễ chào cờ, thầy cô và học sinh choàng tay lên vai nhau cùng hát bài hát về trường lớp. Mỗi học sinh ghi một điều ước lên quả bóng bay để thả lên trời xanh.

THẢO TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên