TTCT - Dịch tay chân miệng đang hoành hành ở Việt Nam gây nỗi sợ hãi cho nhiều người dân, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ. Sự hoành hành của căn bệnh này có căn nguyên từ sự chậm trễ trong phòng dịch và điều trị của ngành y tế. Vì sự lúng túng của ngành y, nhiều gia đình đã cố gắng tìm những cách chữa trị khác theo thói quen “có bệnh vái tứ phương”. Và tuyên bố có vẻ hơi giật gân của TS Nguyễn Văn Khải: “Tôi xin đi tù nếu không chữa được bệnh tay chân miệng” (1) đã khiến nhiều người mừng rỡ, coi như một vị cứu tinh, thậm chí đem con em mình ra thử nghiệm. Phóng to Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức Những kết quả có vẻ tích cực ban đầu của thử nghiệm dùng dung dịch anolyte (còn gọi là nước ôzôn) để điều trị bệnh tay chân miệng (2) đã khiến nhiều người lập tức tin vào phương pháp này, tạo thành làn sóng bất mãn với y học chính thống. Nhưng ngay lập tức, Bộ Y tế đã yêu cầu dừng việc chữa trị sau khi có kết luận chính thức từ Viện Pasteur TP.HCM và hội đồng chuyên môn (3). Có vẻ như nhiều người không mấy hài lòng với quyết định này. Vì thế bài viết này phân tích cách điều trị bệnh tay chân miệng bằng dung dịch anolyte theo cách nhìn khoa học dựa trên những hiểu biết về dung dịch anolyte và cơ chế về bệnh tay chân miệng. Dung dịch anolyte là gì? Tính mạng và sức khỏe con người cần được đặt lên cao nhất. Trong y học, bác sĩ cứu người phải dựa trên y đức, trình độ y khoa và không hành xử kiểu “niềm tin” hay “nhiệt tình”. Khi muốn áp dụng một thành tựu y học nào đó trong điều trị, người ta phải thử nghiệm rất lâu trên nhiều đối tượng sinh vật khác nhau trước khi thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người. Đồng thời phải có các nghiên cứu độc lập làm đối chứng và được hội đồng chuyên môn thẩm định kỹ lưỡng trước khi áp dụng cho hàng loạt bệnh nhân.Dung dịch anolyte là sản phẩm của quá trình điện phân nước muối loãng (khoảng 5‰) và thường được quảng cáo như một thứ nước thần kỳ, có nhiều tác dụng như bảo quản nông sản, chữa trị bệnh lở mồm long móng ở gia súc hay thậm chí bệnh HIV (4), và gần đây nhất là điều trị bệnh tay chân miệng. Thực chất, dung dịch anolyte không phải là sản phẩm xa lạ ở nhiều nước trên thế giới và cũng không thần kỳ như vẫn “quảng cáo”. Đã có nhiều công bố khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành về việc sử dụng sản phẩm này cho diệt khuẩn và tẩy rửa sát khuẩn, chẳng hạn bài báo cáo tổng quan của nhóm tác giả Yu Ru Huang (Đại học Quốc gia Penghu, Đài Loan) (5). Nhóm tác giả này đã tổng kết tác dụng của dung dịch anolyte với khả năng diệt hơn 30 loại vi khuẩn dựa trên đặc tính oxy hóa mạnh và là một sản phẩm hữu dụng cho việc làm sạch các thức ăn. (Quy trình tạo ra sản phẩm có thể mô tả như hình vẽ trang bên). Ở cực âm, ion H+ kết hợp với ion OH- để trở lại thành nước bình thường, trong khi ở cực dương, ion Cl nếu có màng ngăn sẽ bị phân ly và tạo ra khí Cl2 và hoàn toàn không có sản phẩm dung dịch hoạt hóa. Để tạo ra dung dịch hoạt hóa, màng ngăn phải là không ngăn hoàn toàn cho phép ion Cl- phản ứng với ion OH- và Na+ ở cực dương, tạo ra dung dịch NaCl + NaClO + H2O có tính oxy hóa (nhờ ion ClO-). Nếu nồng độ của dung dịch muối ăn lớn, ta sẽ có dung dịch màu vàng gọi là nước javel, vẫn thường dùng để tẩy rửa. Sử dụng dung dịch với nồng độ thấp, dung dịch hoạt hóa sẽ có hoạt tính thấp hơn và được sử dụng trong việc sát khuẩn. Việc gọi dung dịch này là “nước ôzôn” là một khái niệm đánh tráo về bản chất khoa học, và tuyên bố dung dịch hoạt hóa anolyte có tới chín loại ion (6) là một tuyên bố phản khoa học vì thực chất chỉ có ba ion trong dung dịch này (Na+, Cl-, ClO-) nếu quy trình được làm từ NaCl tinh khiết, còn nếu tác giả dùng muối không tinh khiết thì cần được đánh giá kỹ lưỡng độc tính thứ cấp của các sản phẩm phụ. Phóng to Mô hình điện phân nước muối loãng để tạo ra dung dịch anolyte Tùy tiện và phản khoa học Dung dịch hoạt hóa được nhiều nước trên thế giới sử dụng như một sản phẩm sát khuẩn và tẩy rửa nhẹ, được khuyến khích sử dụng để làm sạch nhiều loại thức ăn. Đồng thời nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra dung dịch này có khả năng tiêu diệt một số loại virus khi sử dụng hoạt tính oxy hóa của dung dịch làm vỡ cấu trúc của virus. Tuy nhiên, chưa hề có một nghiên cứu y khoa lâm sàng nào khẳng định khả năng điều trị bệnh (do virus gây ra) của sản phẩm này, kể cả bệnh tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng do virus Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 gây ra qua đường lây truyền của ống tiêu hóa. Trong đó, chủng Coxsackie A16 ít khi gây biến chứng nặng, mà dòng Enterovirus 71 mới là chủng thường gây ra bệnh nặng và biến chứng đi đến tử vong. Nhóm tác giả Monto Ho (Đài Loan) đã tổng hợp và phân tích khá rõ về căn bệnh này trong một báo cáo trên tạp chí New England Journal of Medicine số 341, tháng 9-1999 trang 329-345 (7). Một đặc điểm quan trọng của virus là có đời sống ký sinh nội bào bắt buộc. Tức virus không tồn tại lâu ở ngoài tế bào. Khi tồn tại trong nhân tế bào, virus sử dụng vật chất di truyền (DNA hoặc RNA) của sinh vật chủ - cụ thể là con người hay động vật - làm khuôn cho quá trình sao chép tăng sinh về mặt số lượng. Đối với các bệnh do vi khuẩn thì kháng sinh tỏ ra là một phương tiện hữu hiệu cho việc điều trị, trong khi các bệnh có căn nguyên từ virus thì việc sử dụng kháng sinh hay dung dịch anolyte hoàn toàn bất lực, thậm chí còn có những ảnh hưởng xấu do sự phá hủy các tế bào bởi các chất này khi bôi hay đưa vào cơ thể. Do vậy, khi điều trị theo phương pháp này có thể sẽ tạo điều kiện tốt cho sự phơi nhiễm của một số vi khuẩn/virus gây bệnh khác. Nói cách khác, việc sử dụng “nước ôzôn” chỉ “có thể hiệu quả” với các vi sinh vật ký sinh trên bề mặt da, và hoàn toàn không có tác dụng đối với vi sinh vật ký sinh nội bào như virus. Vậy giả sử nếu sản phẩm nước anolyte này được chấp nhận tiêu thụ như một dạng uống thì điều gì sẽ xảy ra? Theo dữ liệu an toàn của các nhóm chất (MSDS-Material Safety Data Sheet), NaClO được liệt kê vào nhóm chất rất nguy hại khi tiếp xúc với da hoặc hấp thu qua đường tiêu hóa (8). Do đặc tính oxy hóa mạnh của NaClO, nên chỉ một lượng nhỏ NaClO được đưa vào cơ thể cũng có thể phá hủy cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột và làm tổn thương các tế bào niêm mạc thành ruột và dạ dày. Do vậy, dung dịch anolyte không những không giải trừ được các mầm bệnh ký sinh trong bệnh nhân mà còn có những tác dụng bội nhiễm thứ cấp, di chứng để lại trên người bệnh hoàn toàn có thể xảy ra. Chưa bàn đến khả năng diệt khuẩn, chỉ xét trên phương diện đạo đức nghiên cứu y khoa, việc tự tiện đem dung dịch anolyte thử nghiệm trên bệnh nhân đã là vô nhân đạo. Ta có thể thấy kể cả những người mắc bệnh HIV (đang được coi là nan y hiện nay) hay tử tù (những người chịu sự trừng phạt của pháp luật) thì cũng không ai được phép tùy tiện đem họ ra thử nghiệm dược phẩm vì sinh mạng và sức khỏe của con người là cao quý nhất. Việc nôn nóng điều trị bệnh nhân tay chân miệng bằng dung dịch anolyte vừa sai về đạo đức y khoa lẫn các quy tắc khoa học. Đã có hàng trăm trẻ em không may mắn thiệt mạng vì bệnh tay chân miệng thì ta càng nên thận trọng, không thể để cho những bệnh nhân khác bị thiệt mạng oan uổng vì những thử nghiệm phi khoa học. Tóm lại, trong thời buổi thông tin nhiễu loạn, bệnh nhân nên bình tĩnh, không nên vội vã tin tưởng và hùa theo những luồng thông tin giật gân trái khoa học dù nó có thể xuất phát từ nhiệt tâm, từ ý muốn tốt đẹp ban đầu. Sự tùy tiện thử nghiệm cũng chính là một sự vô trách nhiệm và vô cảm đối với sinh mạng con người. Thật lấy làm tiếc trong lúc nhiễu loạn thông tin, nhiều tờ báo và blogger đã hùa tâng bốc phương pháp điều trị bệnh tay chân miệng bằng nước ôzôn như một phép thần nhằm câu khách, hút độc giả. Thiết nghĩ, sự nhiệt tình này có thể gây ra những hậu quả rất nguy hiểm trong thời điểm dịch tay chân miệng đang bùng phát này. __________ (1) “Tôi xin đi tù nếu không chữa được bệnh tay chân miệng”, giaoduc.net.vn, ngày 27-10-2011.(2) Tiến sĩ ôzôn và những điều kỳ diệu tại Ninh Thuận, giaoduc.net.vn, ngày 14-11-2011.(3) Kết luận của Bộ Y tế về việc dùng anolyte chữa tay chân miệng, dantri.com.vn, ngày 21-11-2011.(4), (6) “Nước ôzôn” trị lở mồm long móng: Thực hay hư?, vietbao.vn, ngày 10-6-2006.(5) Yu Ru Huang, Yen Con Hung, Shun Yao Hsu, Yao Wen Huang, Deng Fwu Hwang, tạp chí Food Control, số 19 năm 2008, tr. 329-345 - NXB Elsevier.(7) Monto Ho và các cộng sự, The New England Journal of Medicine số 341 năm 1999 (23-9-1999) trang 929-935.(8) http://www.sciencelab.com/msds.php?msdsId=9925000. Tags: Sức khỏeTay chân miệngPhản khoa họcAnolyte
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.