Trí tuệ nhân tạo phát hiện thêm 109.000 hố va chạm mới, Mặt trăng gồ ghề hơn chúng ta nghĩ - Ảnh: REUTERS
Theo trang tin Observer, nhóm nhà khoa học đã lập bản đồ của 109.000 hố núi lửa (hố va chạm) "bí mật" tại các vùng vĩ độ thấp và trung bình trên Mặt trăng. Để đạt được phát hiện "khủng" này, họ đã sử dụng một thuật toán AI phân tích dữ liệu thu thập từ các sứ mệnh Hằng Nga của Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện trên tạp chí khoa học Nature Communications vào đầu tuần này.
Chúng ta đều đã biết Mặt trăng sở hữu một bề mặt không mấy "láng mịn". Tuy nhiên khám phá mới này cho thấy Mặt trăng thực chất còn gồ ghề hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ. Số lượng hố va chạm phát hiện bởi AI còn nhiều hơn cả những hố mà các nhà khoa học... đếm tay từ trước đến nay.
Việc đếm và lập bản đồ các hố trên Mặt trăng trước đây vẫn luôn là một quá trình chậm chạp và cực nhọc. Thông thường các nhà khoa học sẽ phải nghiên cứu các ảnh từ kính thiên văn rồi chuyển thông tin quan sát được qua bản đồ hay mô hình quả cầu Mặt trăng.
Bởi vì các hố này thường có rất nhiều kích thước, hình dạng, tuổi khác nhau nên quá trình này thường mang tính chủ quan, dẫn đến sự thiếu nhất quán giữa các cơ sở dữ liệu.
Thuật toán AI mới có khả năng giải quyết vấn đề này. Nhóm nghiên cứu - được dẫn dắt bởi giáo sư khoa học Trái đất Dương Thần tại Đại học Cát Lâm (Trung Quốc), đã dùng các dữ liệu về hàng ngàn hố va chạm có từ trước để làm nền tảng huấn luyện thuật toán.
Sau đó, họ cung cấp dữ liệu thu thập từ các tàu Hằng Nga 1 và 2 cho AI này để dạy nó cách tìm kiếm những hố mới.
"Các hố trên Mặt trăng hình thành do các thiên thạch va chạm trong thời kỳ Trái đất và Mặt trăng mới sản sinh. Đây có thể được xem như là các hóa thạch của Mặt trăng, chúng ghi lại lịch sử của hệ Mặt trời", giáo sư Dương cho biết.
Đa số các hố mới phát hiện có đường kính dao động trong khoảng 1-100 km. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch cải tiến thuật toán bằng cách cung cấp dữ liệu từ tàu bộ hành Hằng Nga 5 vừa hoàn thành sứ mệnh mang đất đá Mặt trăng về Trái đất trong tháng 12-2020.
Chương trình AI này còn có thể áp dụng nghiên cứu các thiên thể khác trong hệ Mặt trời như các hành tinh và vệ tinh lớn của chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận