Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông Việt Đức, ùn tắc giao thông là một trong những "căn bệnh nan y" của TP.HCM. Sau gần 2 năm nghiên cứu cùng đội ngũ đã công bố phiên bản thử nghiệm công cụ dự báo ùn ứ, ngập úng cho xe buýt dựa trên trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu.
TP.HCM có hơn 2.000 xe buýt phủ khắp 22 quận, huyện
Hội thảo do Trường đại học Việt Đức, Chương trình sáng kiến chuyển đổi giao thông đô thị (TUMI) tổ chức, có sự tham gia của Sở Giao thông vận tải TP.HCM và sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố lân cận.
Mục tiêu của dự án nhằm phát triển công cụ số để hỗ trợ các sở, ban ngành của TP.HCM trong công tác điều phối, giám sát và ứng phó trong các điều kiện thời tiết bất lợi như mưa lớn, triều cường dâng cao gây ngập và ảnh hưởng đến hệ thống xe buýt đô thị.
Theo ông Cao Trung Tín - đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), hiện nay thành phố có khoảng 120 tuyến xe buýt bao phủ khắp 22 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố đang có khoảng 2.067 chiếc xe buýt, trong đó gần 26% phương tiện sạch (xe CNG và xe điện).
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng đã ứng dụng các công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý như GPS, camera, hệ thống thông tin kiểm soát xe buýt cũng như thông tin cho khách hàng.
Trong đó, có khoảng 584 bảng điện tử cung cấp thông tin thời gian thực về các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố, triển khai vé điện tử thanh toán bằng thẻ hoặc mã QR code, với mục đích hướng đến tương lai có thể kết nối toàn bộ loại hình giao thông công cộng trên địa bàn thành phố.
"Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm ứng dụng các thành tựu tiên tiến về khoa học công nghệ, đó cũng là nghiên cứu triển khai đến năm 2025" - ông Tín chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ AI dự báo ùn ứ, ngập úng trên địa bàn TP.HCM
Trình bày tại hội thảo, PGS.TS Vũ Anh Tuấn nói hiện 75% địa hình TP.HCM chỉ cao hơn 2m so với mực nước biển, dù hệ thống thoát nước đang được nâng cấp nhưng vẫn còn hạn chế, khiến cho nhiều tuyến đường ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Trong giai đoạn 2015 - 2045 ùn tắc giao thông gây thiệt hại hơn 97 tỉ USD.
Mục tiêu của dự án phát triển công cụ số nhằm phân tích dữ liệu thời tiết xấu trong quá khứ, phát triển phương pháp tiếp cận dữ liệu lớn để phân tích cơ sở hạ tầng đường bộ nhằm xác định những điểm ùn ứ, kẹt xe.
Trong đó, phiên bản thử nghiệm của công cụ này sẽ hỗ trợ chính quyền thành phố trong quá trình lập kế hoạch ứng phó ngập úng trong và sau những trận mưa lớn.
Về cách thức hoạt động của công cụ số này, ông Tuấn cho biết sẽ dựa trên cơ sở thu thập dữ liệu về các yếu tố như: thời tiết, triều cường, mạng lưới đường bộ, dữ liệu thông tin kẹt xe trong quá khứ... để dự báo ùn tắc giao thông và các điểm dự báo liên tục cập nhật mỗi 15 - 30 phút. Sau khi dự báo sẽ định tuyến lại các tuyến đường không bị ùn ứ.
"Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam cũng như số ít trên thế giới về phát triển mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo ùn ứ, ngập úng cho hệ thống xe buýt" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Công cụ sẽ hiển thị dưới dạng một trang web, người dùng sau khi đăng nhập sẽ thấy được dự báo lộ trình xe buýt, cũng như tình trạng ùn ứ giao thông trên đường hiện tại. Khách hàng cũng sẽ được thông báo qua ứng dụng Go Bus về các tuyến đường ùn tắc, ngập úng.
Theo ông Tuấn, mô hình thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ được bàn giao cho Sở Giao thông vận tải thử nghiệm trong một năm nữa, và dự tính sẽ hoàn thành, ứng dụng trên toàn thành phố trong vòng 5 năm sau khi khắc phục một số hạn chế của bản thử nghiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận