Người vô gia cư trên đường phố Barcelona (Tây ban Nha). Nhiều người khó khăn phải ra đường kiếm sống thời đại dịch - Ảnh: REUTERS
Trong báo cáo công bố hồi tháng 7-2020, tổ chức Liên Hiệp Quốc đã khuyến khích các nước thành lập cái gọi là "thu nhập căn bản chung" nhằm làm giảm tình trạng bất bình đẳng xã hội trong thời kỳ hậu COVID-19 để giảm thiểu tác động của đại dịch.
Nhiều nước đã có ý tưởng
Thu nhập căn bản là một khoản tiền cố định hằng tháng được chi trả cho công dân mà không đòi hỏi điều kiện ràng buộc nào bất kể nguồn tài chính hoặc địa vị xã hội của người nhận.
Một số nước châu Âu đã thảo luận biện pháp cấp thu nhập căn bản cho người nghèo.
Mấy tháng nay, Scotland đã xem xét vấn đề này và đã sẵn sàng chi trả để giảm bớt hậu quả của đại dịch.
Tây Ban Nha đã thiết lập một khoản gọi là "thu nhập tối thiểu đủ sống" trị giá 440 euro mỗi tháng cho những người nghèo nhất không thể xin trợ cấp thất nghiệp.
Khoảng 170 nghị sĩ Anh đã ủng hộ ý tưởng của chính phủ về xây dựng mức thu nhập căn bản vào lúc Anh sắp bước vào giai đoạn phong tỏa trong tháng 3-2020.
Tại Pháp, các tình trưởng của 19 tỉnh đã thảo luận và đề xuất chính phủ cấp "thu nhập căn bản".
Thật ra ý tưởng cấp thu nhập căn bản ở châu Âu hầu như vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu với nhiều cách làm khác nhau.
Người thất nghiệp chờ tìm việc ở Đức - Ảnh: en.news-front.info
Sau Phần Lan đến Đức
Từ tháng 6-2017 đến cuối năm 2018, Phần Lan đã thử nghiệm trên diện rộng cấp thu nhập căn bản đối với người thất nghiệp.
Kết quả thử nghiệm khá thất vọng. Mặc dù thu nhập căn bản có cải thiện đáng kể cuộc sống của người thất nghiệp nhưng không có tác động nào đến công ăn việc làm của họ.
Sau Phần Lan đến lượt Đức. Từ tháng 2-2021, 120 công dân Đức sẽ được cấp thu nhập căn bản 1.200 euro mỗi tháng trong suốt ba năm.
Mục đích nhằm thu thập dữ liệu hữu hình để phân tích hiệu quả của biện pháp cấp thu nhập căn bản trên phạm vi quốc gia trong thời khủng hoảng.
Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW-Deutsches Institut für Wirtschaftsforschung) - cơ quan chủ trì dự án sẽ đánh giá tác động xã hội và hậu quả của biện pháp trên đối với thị trường lao động hoặc thị trường bất động sản.
DIW nổi tiếng với vai trò cố vấn cho chính phủ Đức nhưng tiến hành thử nghiệm với mục đích hoàn toàn phi chính trị.
Nhà kinh tế Jürgen Schupp phụ trách thử nghiệm giải thích: "Chúng tôi không ủng hộ hay phản đối cấp thu nhập căn bản nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là đánh giá một cách khoa học hậu quả của việc thực hiện nó".
Hơn 1,6 triệu người đăng ký tham gia
Thử nghiệm cấp thu nhập căn bản được công bố vào giữa tháng 8-2020 đã nhanh chóng được người dân hào hứng đón nhận với hơn 1,6 triệu người trưởng thành tình nguyện tham gia.
Cuối cùng đã có 1.500 người được chọn. Hiệp hội Mein Grundeinkommen (Mức lương căn bản của tôi) sẽ tài trợ cho thử nghiệm.
Báo Le Figaro (Pháp) ghi nhận không có gì ngạc nhiên khi ý tưởng cấp thu nhập căn bản dài hạn đã khuấy động nhiều phe đối lập chính trị ở Đức.
Người này cho rằng đây là gánh nặng tài chính đối với kho bạc nhà nước.
Người khác lo ngại biện pháp này sẽ khuyến khích người lao động bỏ việc và người thất nghiệp nằm chơi không thèm đi tìm việc.
Ngoài ra, các ý kiến chỉ trích đánh giá số người tham gia thử nghiệm quá ít (vì thiếu tiền) nên khó rút ra bài học nào đáng kể.
Nhà kinh tế Jürgen Schupp biện bạch: "Chúng tôi sẽ chỉ rút kết luận từ quan sát của chúng tôi trên thực tế nếu có thể đối chiếu qua thực nghiệm với các mô hình kinh tế của Đức".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận