Các kiểu trang phục của phụ nữ Hồi giáo: hijab (hàng trên, trái), niqab (hàng trên, phải), burka (hàng dưới, phải) và chador (hàng dưới, trái) - Ảnh: AFP |
Đề xuất này được ông Maiziere, người được xem là cánh tay phải của Thủ tướng Angela Merkel trong Đảng Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU), đưa ra sau cuộc thảo luận với bộ trưởng Bộ Tư pháp trong các chính phủ bang mà CDU nắm quyền kiểm soát, trong số 16 bang của Liên bang Đức.
Đa số phụ nữ Hồi giáo trùm hijab che kín tóc và cổ. Những người theo khuynh hướng bảo thủ như tại Iran thì trùm chador che kín người, chỉ chừa khuôn mặt, hoặc niqab chỉ chừa hai con mắt như nhiều phụ nữ tại Iraq, Saudi Arabia, Oman, UAE. Burka còn kín hơn, trước mắt có thêm tấm mạng che. Dưới thời Taliban, tất cả phụ nữ, thiếu nữ Afghanistan đều phải trùm burka.
Burka trong một xã hội cởi mở
Theo tuyên bố của ông Maiziere thì phụ nữ trùm kín mít chỉ chừa hai con mắt là “không phù hợp với xã hội cởi mở của chúng ta”, và “việc một người để lộ khuôn mặt là điều cần thiết trong giao tiếp và sự gắn kết xã hội”. Trong một cuộc phỏng vấn với một số tờ báo Đức trước khi công bố đề xuất này, bà Merkel cũng nói lên quan điểm cá nhân rằng “một người phụ nữ che kín mặt hầu như không có cơ hội hội nhập thành công vào xã hội Đức”.
Trên thực tế thì đề xuất này nhằm thể hiện thái độ cứng rắn của chính phủ của Thủ tướng Merkel với những tín đồ Hồi giáo theo khuynh hướng bảo thủ hay cực đoan, vì số phụ nữ trùm kín người cũng không nhiều.
Theo thống kê năm 2010 thì có khoảng 4 triệu người Hồi giáo tại Đức, chiếm khoảng 5% dân số và khoảng 2/3 phụ nữ Hồi giáo không trùm tóc hay mặc áo choàng kín người khi ra ngoài.
Tuy nhiên, muốn được quốc hội thông qua để trở thành luật thì đề xuất của ông Maiziere cần tranh thủ được sự hỗ trợ của các đồng minh của bà Merkel trong chính phủ liên bang, như Đảng Dân chủ xã hội (SPD) hiện đang giữ một số chức vụ quan trọng trong chính phủ.
Bộ trưởng Việc làm và các vấn đề xã hội Andrea Nahles mô tả đề xuất này như một dấu hiệu cho sự gia tăng của khuynh hướng bài ngoại tại Đức và sẽ tạo trở ngại cho công tác hội nhập của người nhập cư. Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas thì kêu gọi tách vấn đề burka ra khỏi các vấn đề an ninh.
Và vấn đề chính trị
Dưới góc độ chính trị thì việc Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ đề xuất cấm burka và niqab nơi công cộng có thể được xem như một phản ứng trước sự đe dọa của Đảng Biện pháp thay thế cho nước Đức (Alternative fuer Deutschland - AfD), chủ trương công khai chống Hồi giáo, với tuyên ngôn “Hồi giáo không thuộc về nước Đức”.
Đức sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào năm tới, trong đó hai vấn đề quan trọng nhất đối với cử tri sẽ là làm thế nào để những người tị nạn mới tới đây hội nhập thành công và biện pháp giải quyết các mối đe dọa của các phong trào Hồi giáo cực đoan và các tổ chức khủng bố.
AfD tuy mới được thành lập vào tháng 4-2013 nhưng trong kỳ bầu cử quốc hội bang vào tháng 3-2016 họ đã đánh bại cả CDU và SPD để giành được thắng lợi tại 3 bang, có đại diện tại 8 quốc hội bang.
Trên đà này thì năm tới AfD có khả năng lần đầu tiên giành được ghế trong quốc hội liên bang. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp báo để ông Maiziere công bố đề xuất cấm burka và niqab thì bộ trưởng tư pháp của bang Berlin cũng có mặt. Bang Berlin sẽ tổ chức bầu cử bang trong tháng 9 tới và theo kết quả thăm dò mới đây thì có tới 14% cử tri Berlin ủng hộ AfD.
Tại châu Âu, Pháp là nước đầu tiên ban hành lệnh cấm trùm burka, niqab nơi công cộng vào tháng 4-2011. Tháng 1-2012 đã có một phụ nữ 32 tuổi bị phạt tù 2 năm vì vi phạm lệnh này. Bỉ cũng cấm burka vào tháng 7-2011, ai vi phạm thì ngoài bị phạt tiền còn bị bỏ tù 7 ngày. Năm 2015 thì tới lượt Hà Lan cấm burka tại các tòa nhà chính phủ, bệnh viện, trường học, điểm giao thông công cộng. Một số nơi tại Thụy Sĩ và Tây Ban Nha cũng cấm burka tại nơi công cộng từ năm 2013. |
Thay đổi thái độ Thủ tướng Merkel chủ trương mở cửa đón người tị nạn và nhập cư Hồi giáo (năm 2015, Đức đón nhận gần 1 triệu người tị nạn). Tuy nhiên, trước những bất ổn trong xã hội Đức từ đầu năm đến nay cũng như một số cuộc tấn công trong thời gian gần đây có liên quan gần xa tới IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng), Đảng CDU cũng cần phải tỏ thái độ nào đó để tránh việc mất phiếu vào năm tới. Sự thay đổi trong thái độ của CDU cũng là một tín hiệu cho sự thay đổi sâu sắc của nước Đức nói chung trước vấn đề người tị nạn và nhập cư Hồi giáo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận