“Chúng tôi cần ít nhất 1 tỉ euro mỗi năm và duy trì số tiền này trong 10 năm tới để bảo vệ người dân thường”, ông André Berghegger, người đứng đầu Hiệp hội Các hội đồng địa phương Đức, nói với báo Telegraph.
Theo ông Berghegger, Đức có hơn 2.000 hầm trú ẩn trong chiến tranh lạnh, nhưng hiện chỉ còn 600 hầm trú ẩn có thể cung cấp nơi trú ẩn cho khoảng 500.000 người.
Một cơ quan chính phủ chuyên trách quản lý các hầm trú ẩn này cho hay trong số 600 hầm trú ẩn còn sót lại sau chiến tranh, hiện không còn hầm nào có thể sử dụng được.
“Chúng ta cần khẩn cấp đưa những boongke không còn sử dụng hoạt động trở lại và chúng ta cũng cần xây dựng thêm những nơi trú ẩn mới hiện đại hơn”, ông Berghegger trả lời một nhóm phóng viên.
Ông nhận định những năm hòa bình sau chiến tranh lạnh đã khiến mọi người “vô tư” trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến mới.
Tuy nhiên, vị quan chức này nhận định mức độ đe dọa về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh mới đã thay đổi. Điều này được thể hiện qua chiến sự Nga - Ukraine.
Hồi năm 2007, giới chức Đức quyết định tháo dỡ tất cả các boongke còn lại vì cho rằng chúng không có tác dụng chống chịu lại những mối đe dọa mới như khủng bố và biến đổi khí hậu.
Ông Berghegger không phải là quan chức đầu tiên kêu gọi giới chức xây hầm trú ẩn cho người dân. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng kêu gọi chính quyền địa phương đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, để bảo vệ người dân thường khỏi bom đạn.
Trong chuyến thăm thủ đô Helsinki (Phần Lan), ông Pistorius đã đến thăm một nơi vừa là một phòng thể thao, vừa là một hầm trú ẩn.
Helsinki có hầm trú ẩn cho 900.000 người, trong khi dân số tại thành phố này là 600.000 người.
Trong số các bộ trưởng tại nội các của Chính phủ Đức, ông Pistorius là người trực tiếp kêu gọi công chúng nước này nên nghiêm túc xem xét các mối đe dọa chiến tranh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận