Phóng to |
CNN dẫn lời Bộ Nông nghiệp bang Hạ Saxony (Đức) thông báo 23 mẫu giá đỗ được xét nghiệm trong tổng số 40 mẫu lấy từ nông trại bị nghi ngờ đã cho kết quả âm tính với vi khuẩn.
Nếu số mẫu thử còn lại cho kết quả tương tự, chính quyền Đức sẽ phải điều tra lại từ đầu nguồn gốc của dịch vi khuẩn E.coli, hiện đã lây nhiễm cho 2.200 người và khiến 22 người chết.
Trước đó ngày 5-6 các quan chức bang Saxony cho biết giá đỗ nhiều khả năng là nguồn vi khuẩn, bởi “có những liên hệ trực tiếp” giữa Công ty trồng giá đỗ Gaertnerhof với nhiều trường hợp nhiễm khuẩn. Có ít nhất năm nhà hàng ghi nhận nhiễm khuẩn E.coli đã sử dụng giá đỗ của Gaertnerhof.
Alexander Kekule, nhà vi trùng học hàng đầu của Đức, cũng chia sẻ nhận định trên. Ông cho biết nhiệt độ được thiết kế để trồng giá đỗ rất thích hợp cho vi khuẩn sinh sôi.
Hồi tuần trước, các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chủng loại vi khuẩn E.coli gây ra trận dịch trên có thể là một biến thể cực kỳ nguy hiểm kết hợp từ hai chủng E.coli khác nhau.
Trung tâm Ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) nói vi khuẩn là một biến thể hiếm gặp của vi khuẩn Escherichia coli: chủng 0104:H4. Cho đến nay, chỉ mới phát hiện hai trường hợp nhiễm khuẩn này - một phụ nữ Hàn Quốc nhiễm bệnh vào năm 2006 và một ổ dịch nhỏ tại Gruzia vào năm 2009.
Áp lực đè nặng lên Chính phủ Đức
Hiện Chính phủ Đức đang chịu nhiều chỉ trích từ công luận, giới nông dân và nhiều chính trị gia vì sự chậm trễ trong việc phát hiện nguồn phát sinh vi khuẩn và liên tục thay đổi các nhận định.
Hiện nông dân Tây Ban Nha dự định kiện đòi Đức bồi thường 584 triệu USD thiệt hại và khôi phục hình ảnh nông sản Tây Ban Nha trong mắt người tiêu dùng. Một báo cáo cho biết xuất khẩu nông sản Tây Ban Nha đã sụt giảm 40% kể từ khi chính quyền Đức nhận định Tây Ban Nha có thể là nguồn gốc của vi khuẩn, dù sau đó Đức đã đính chính thông tin này.
Nạn dịch khiến nông dân châu Âu thiệt hại hàng tỉ euro khi hàng núi rau quả và trái cây phải tiêu hủy, xếp xó hoặc bị người tiêu dùng tẩy chay. Mọi việc càng tồi tệ hơn khi tuần trước Nga đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu rau quả từ châu Âu. Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) sẽ mở phiên họp vào hôm nay 7-6 để thảo luận các biện pháp bồi thường cho nông dân.
“Sản lượng tiêu thụ rau quả đã sụt giảm nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng này đang tác động lên toàn châu Âu” - Wall Street Journal dẫn lời người phát ngôn EU.
Hiệp hội Nông dân Đức ước tính nông dân Đức đang chịu lỗ 44 triệu USD/ tuần vì ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi thiệt hại tại Tây Ban Nha là 200 triệu USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận