Tại buổi công bố ngày 14-6, chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng Trung Quốc đang gia tăng sức ép lên an ninh quốc tế và sự ổn định khu vực.
Theo ông Scholz, chiến lược an ninh quốc gia tuân theo nguyên tắc "an ninh tích hợp", bao gồm cả quốc phòng, ngoại giao, phát triển và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Giảm rủi ro với Trung Quốc
"Trung Quốc đang cố gắng bằng nhiều cách khác nhau để sắp xếp lại trật tự thế giới dựa trên luật lệ hiện tại, đang khẳng định vị trí thống trị khu vực với sức mạnh hơn bao giờ hết, hành động hết lần này đến lần khác đi ngược lại lợi ích và giá trị của chúng ta", bản chiến lược dài 76 trang nhấn mạnh.
Chiến lược gọi Trung Quốc là "đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống", trong đó yếu tố cạnh tranh và đối đầu ngày càng tăng trong những năm gần đây. Dù vậy, Berlin cũng coi gã khổng lồ châu Á là một đối tác không thể thiếu trong giải quyết nhiều thách thức và khủng hoảng toàn cầu.
Chiến lược an ninh của Đức được công bố chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến thăm Berlin.
Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Scholz cho rằng Đức không muốn tách rời Trung Quốc mà chỉ muốn "giảm rủi ro". Ông cho biết Berlin sẽ có một chiến lược cụ thể riêng đối với Bắc Kinh.
Trong thời gian qua, Đức cũng tìm cách đa dạng nguồn nhập khẩu và đưa sản xuất các sản phẩm quan trọng như chất bán dẫn về nước nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock mới đây cảnh báo rằng Berlin sẽ không thể hỗ trợ hết các nhóm công nghiệp lớn làm ăn với Trung Quốc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng với Bắc Kinh.
Đức tăng chi tiêu quốc phòng
Ngoài ra, chiến lược an ninh của Đức cũng nhấn mạnh khả năng phòng thủ, chống chịu và thích ứng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Theo đó, Đức đặt ra một số mục tiêu chiến lược bao gồm mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm 2024. Hiện chi tiêu quốc phòng của Đức là khoảng 1,5% GDP.
Chính quyền Thủ tướng Scholz coi Nga là "mối đe dọa đáng kể nhất đối với hòa bình và an ninh ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương" do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ngoại trưởng Baerbock nói rằng cuộc xung đột nổ ra cho thấy "châu Âu dễ bị tổn thương".
Đức cáo buộc Nga tăng cường vũ khí hạt nhân đe dọa sự ổn định chiến lược. Chiến lược an ninh của Bắc Kinh nhấn mạnh việc "duy trì khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy là điều cần thiết" đối với NATO và an ninh của châu Âu, chừng nào còn vũ khí hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận