Đức: Chuẩn bị "tương lai linh hoạt" cho học sinh

HOÀNG THI 29/05/2024 16:44 GMT+7

TTCT - Nước Đức vốn nổi tiếng với mô hình đào tạo kép - học sinh vừa học lý thuyết ở trường nghề vừa thực hành (và được trả lương) ở doanh nghiệp nhưng cũng có lúc phải đối mặt với chuyện phụ huynh, học sinh băn khoăn trước ngã rẽ cuộc đời.

Giáo viên hướng dẫn học sinh tại trường nghề Ursula Kuhr Schule. Ảnh: Patricia Kühfuss/The Hechinger Report

Giáo viên hướng dẫn học sinh tại trường nghề Ursula Kuhr Schule. Ảnh: Patricia Kühfuss/The Hechinger Report

Xuất hiện định kiến

Theo The Hechinger Report, một trang tin tức phi chính phủ về giáo dục, Đức và các nước Tây Âu khác từ lâu đã hướng học sinh vào các lộ trình nghề nghiệp từ khá sớm. Ngã rẽ quan trọng là sau từ lớp 10 (16 tuổi).

Học sinh ở Đức có thể bắt đầu học nghề theo mô hình kết hợp giữa trường nghề và doanh nghiệp, hoặc có thể học tiếp thêm 3 năm tại trường phổ thông trước rồi đăng ký thi tuyển đại học.

Từ lâu, các học sinh tại Đức có tâm lý khá "cân bằng" khi lựa chọn giữa hướng học nghề hay học tiếp lên đại học. Học đại học tại Đức được miễn học phí, bằng cấp cao hơn, còn học nghề lại sớm có công việc, thậm chí được doanh nghiệp trả lương ngay khi đi học.

Các doanh nghiệp ở Đức thường rất sẵn lòng tham gia đào tạo nghề. Các phòng thương mại và công nghiệp kết nối trường học và doanh nghiệp cho các chương trình đào tạo, thực hành.

Ngay cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tham gia liên kết đào tạo học sinh, sinh viên. Một số doanh nghiệp ưu ái đến nỗi sinh viên còn có chân trong công đoàn.

Tuy nhiên, hệ thống dạy nghề hàng trăm năm tuổi tại Đức không phải không đối mặt với những trở ngại. Từ lâu đã có những lời chỉ trích như nhiều học sinh chọn theo học nghề có thu nhập thấp hơn những bạn học đại học. Hoặc những học sinh là con em của dân nhập cư thường được "hướng" sang học nghề hơn là các lĩnh vực học thuật.

Mới đây nhất, đại dịch đã khiến nhiều chương trình đào tạo nghề đóng cửa trong thời gian dài, bởi trường phổ thông còn dạy trực tuyến, dạy nghề thực hành coi như thua.

Chương trình nghề kỹ sư dược ở Munich (Đức). Ảnh: Reuters

Chương trình nghề kỹ sư dược ở Munich (Đức). Ảnh: Reuters

Tất cả điều này đã khiến nhiều sinh viên chọn theo học đại học hơn, song đồng thời cũng có nhiều người bỏ học đại học hơn. Theo dữ liệu gần đây, có tới 28% sinh viên không hoàn thành chương trình đại học. Riêng với những sinh viên theo học các ngành khoa học tự nhiên, nhân văn, tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn, lên tới 50%.

Những số liệu biến động nêu trên cộng với nhu cầu của thị trường lao động đã khiến các nhà hoạch định chính sách tìm cách điều chỉnh các mô hình dạy nghề truyền thống để giúp lộ trình này linh hoạt hơn. 

Chẳng hạn, những học sinh theo con đường học thuật hướng vào đại học sẽ có thêm cơ hội để học các khóa nghề, ngược lại một học sinh học nghề được tạo điều kiện liên thông học đại học.

Một yếu tố khác đang nổi lên là sự tác động của cha mẹ trong các quyết định nghề nghiệp của con. Hubert Ertl - phó chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu tại Viện Giáo dục và Đào tạo nghề Liên bang Đức - cho rằng cha mẹ hiện có ảnh hưởng lớn đến lựa chọn học nghề hay học đại học của con. 

Nghiên cứu của viện Ertl cho thấy khi học sinh bày tỏ sự quan tâm đến một chương trình học nghề, nhiều cha mẹ thường ngăn cản họ và thay vào đó thúc đẩy họ học lên cao hơn.

Vì vậy, tổ chức của ông làm việc với các trường học và phụ huynh để giảm bớt những định kiến về học nghề. Nhóm của ông thường phải gặp gỡ tận mặt phụ huynh để giải đáp trực tiếp các thắc mắc của họ.

Theo ông, định kiến này là rào cản trong việc lựa chọn nghề nghiệp bởi "các bậc cha mẹ thường không biết gì về các chương trình dạy nghề và không biết họ có những cơ hội gì".

Một mô hình mới

Kein Abschluss ohne Anschluss (KaoA) là một chương trình đã được triển khai trên khắp bang North Rhine-Westphalia của Đức với mục đích giúp học sinh được hướng nghiệp tốt hơn. 

Từ lớp 8, học sinh được tham gia các chương trình tham quan thực tế tìm hiểu các nhóm ngành nghề, chẳng hạn tới viện dưỡng lão xem các điều dưỡng viên làm việc, đến các khách sạn, nhà hàng quan sát những nhân viên lễ tân, phục vụ, đầu bếp, thậm chí được thăm... đồn cảnh sát. 

Các chuyên gia hướng nghiệp cũng sẽ đồng hành cùng học sinh trong các buổi định hướng, tập huấn định hướng nghề nghiệp.

Đến năm lớp 9, các em được tham gia một kỳ thực tập nghề tại doanh nghiệp hoặc một trường nghề tại địa phương với nghề nghiệp các em yêu thích. Yêu cầu các công việc trong thực tập thường chỉ ở mức cơ bản. Sang lớp 10, các em có quyền lựa chọn thực tập tiếp 1 ngày/tuần, các yêu cầu cũng chuyên sâu hơn.

Đức: Chuẩn bị "tương lai linh hoạt" cho học sinh- Ảnh 3.

Theo The Hechinger Report, Chương trình KaoA đã được triển khai trên tất cả 2.000 trường học ở khu vực. Đứng đầu điều hành chương trình này là chính quyền bang North Rhine-Westphalia, phối hợp với chính quyền các thành phố, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội lao động, phòng thương mại, trường nghề, trường đại học, trung tâm giới thiệu việc làm...

Mục đích trên hết là giúp học sinh cảm nhận các nghề nghiệp một cách thực tế ngay tại các doanh nghiệp từ cơ khí, hàn, kỹ thuật ô tô, bếp đến giáo viên, điều dưỡng, cảnh sát...

Sonja Gryzik - giáo viên dạy định hướng tại trường nghề Ursula Kuhr Schule trong vùng - cho rằng học sinh không thể ngồi tại trường phổ thông để tìm hiểu nghề nghiệp, các bạn phải "trải nghiệm" thực tế.

Nhiều học sinh đã biết mình muốn gì nhờ vào các cơ hội thực tập trong chương trình KaoA. Neriman Raim, sinh viên 16 tuổi ở Cologne (Đức), là một trường hợp như thế. Em nói lúc nhỏ đã mường tượng sau khi học xong sẽ làm công việc văn phòng nhưng sau đợt thực tập 2 năm trước tại một văn phòng kiến trúc sư, em thấy thật tẻ nhạt.

Sau đó, vì khá hứng thú với công việc giáo viên nên em tiếp tục 3 tuần thực tập vị trí giám sát học sinh lớp lớn làm bài tập về nhà. Em thấy mình muốn trở thành giáo viên tiểu học. 

Hiện em đang lên kế hoạch tham gia một khóa thực tập kéo dài một năm để xác nhận rằng nghề dạy học có thực sự phù hợp với mình hay không trước khi vào học tại một trường cao đẳng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận